Câu hỏi của khách hàng: Quyền vợ sau và con vợ sau khi chia tài sản trong gia đình
Xin chào mọi người.
-Tôi là con trai út sinh năm 24/1/1997 (con của vợ bé).
-Mẹ tôi là vợ bé, về chung sống với ba như vợ chồng từ năm 1996. Nhưng cho đến năm 2009 ba mẹ mới làm giấy kết hôn, năm 2010 nhập hộ khẩu cho hai mẹ con tôi.
-Vợ lớn ly hôn do tòa quyết định ngày 17/5/1996, có 4 người con trai. Sau khi ly hôn đã giao toàn bộ 200m2 đất ở cho ba.
1)Khi họp gia đình, tôi và mẹ tôi không có quyền ký tên biên bản họp gia đình để bán 1 phần trên mảnh đất đó. Thưa hỏi anh chị như vậy đúng hay sai?
2)Tôi và mẹ có thiệt thòi gì sau khi ba tôi chết không? Sau khi ba tôi chết nếu ba không để di chúc thì tài sản đó được chia như thế nào cho tôi và mẹ?
3) Và 1 vấn đề khác xin được hỏi thêm, từ ngày mẹ tôi về ở với ba năm 1996. Mẹ và ba đi khai phá 12000m2 đất khai hoang, vị trí liền kề đất nhà ở. Nay đất đang trong quá trình chuẩn bị xin cấp sổ đỏ. Xin hỏi làm sao để sau này mẹ tôi cho riêng tôi hơn 1 nửa diện tích đất khai hoang đang trồng rau màu đó. (các con của vợ trước không có công khai hoang, thái độ coi rẻ mẹ tôi,không phụng dưỡng mẹ tôi nên tôi không muốn các anh em được chia đều trên mảnh đất khai hoang đó). Xin cám ơn anh chị đã đọc, mong câu trả lời từ anh chị.
Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 30/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xác lập quyền với tài sản chung
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
- Bộ luật dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Quyền vợ sau và con vợ sau khi chia tài sản trong gia đình
Chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng. Về mặt pháp lý, hai bên nam nữ này sẽ không được công nhận là vợ chồng, tất cả các tài sản làm ra trong thời gian đó chỉ được coi là tài sản chung của hai người. Việc chia tài sản chung và quyền, nghĩa vụ của bên nữ cùng người con được xác định như sau:
Căn cứ Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình:
“Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1.Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”
Theo đó, việc xác lập quyền sở hữu trong trường hợp của bạn được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Phần tài sản được xác lập trong thời gian hai bên nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được xác định là tài sản thuộc sở hữu chung của hai người (không chịu điều chỉnh trong phạm vi tài sản chung của vợ chồng).
Tuy nhiên, bạn vẫn được xác định là con của bố bạn trên mặt pháp lý ngay cả khi hai bố mẹ bạn chưa đăng ký kết hôn (cơ sở xác định thường là thông tin của người bố trên Giấy khai sinh của bạn). Nên, bạn hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ của một người con trong mối quan hệ cha con này.
Dựa vào đó, các vấn đề bạn đặt ra được giải quyết như sau:
-Câu hỏi đầu tiên, việc bán 200 mét vuông đất ở của bố bạn mà không có chữ ký của bạn và mẹ của bạn là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Bởi, về mặt pháp lý, 200 mét vuông đất ở trên là tài sản riêng của bố của bạn sau khi ly hôn với vợ cũ (chia tài sản sau khi ly hôn). Việc mẹ của bạn chung sống như vợ chồng/ kết hôn với bố của bạn không làm phát sinh quyền sở hữu đối với tài sản này. Việc bố của bạn cho bạn và mẹ nhập hộ khẩu vào cũng không làm phát sinh quyền định đoạt của hai người đối với tài sản. Nói cách khác, bố của bạn hoàn toàn có quyền quyết định trong việc bán tài sản này.
Tuy nhiên, nếu mẹ của bạn cũng được xác định là chủ sở hữu của tài sản thì việc bán tài sản (dù chỉ có một phần) cũng sẽ cần sự đồng ý của hai người. Trường hợp này, thường xảy ra khi bố của bạn nhập tài sản riêng vào làm tài sản chung sau khi đăng ký kết hôn với mẹ của bạn.
-Câu hỏi thứ hai, quyền của mẹ bạn và bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi hiện tại hai bên đã đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, phải lưu ý về quyền sở hữu các tài sản giữa bố của bạn và mẹ của bạn trước khi hai người này đăng ký kết hôn.
Sau khi bố của bạn mất mà không để lại di chúc, tài sản sẽ được chia theo pháp luật, và bạn cùng mẹ của bạn đều là đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Phần di sản mà mỗi người trong hàng thừa kế thứ nhất nhận được sẽ như nhau.
-Về quyền đối với 12.000 mét vuông đất khai hoang. Để mẹ của bạn có quyền sở hữu với 12.000 mét vuông đất khai hoang thì khi xin cấp Giấy chứng nhận, mẹ bạn cũng phải đứng tên trên Giấy chứng nhận. Tức là bố của bạn và mẹ của bạn đều đứng tên trên giấy chứng nhận. Tránh trường hợp, bố của bạn đứng tên sở hữu riêng phần đất khai hoang đó mà mẹ của bạn không chứng minh được mình cũng là một người góp công sức vào việc khai hoang mảnh đất.
Trong trường hợp, 12.000 mét vuông đất khai hoang được xác định là tài sản chung của vợ chồng/ tài sản chung của hai người thì khi chia tài sản này, mẹ của bạn sẽ được xác định là chủ sở hữu với 6.000 mét vuông đất khai hoang. Trừ trường hợp các bên chứng minh được mình bỏ nhiều công sức khai hoang hơn bên còn lại.
Khi đó, bạn có thể nhận chuyển nhượng phần quyền của mẹ bạn đối với mảnh đất (có sự đồng ý của bố của bạn) theo quy định của pháp luật để là người sở hữu phần đất đó. Khi đã được xác định là chủ sở hữu phần đất trên, một nửa phần đất đó sẽ là của bạn, những người con kia sẽ không có quyền.
Hoặc, bạn có thể đứng tên chung với bố của bạn trên hồ sơ xin giấy chứng nhận (coi đây là một tài sản chung của hai người), trong Giấy chứng nhận được cấp sẽ ghi rõ phần quyền của các bên. Và bạn sẽ có quyền theo phạm vi trong Giấy chứng nhận đó.
Vậy trong trường hợp bạn đưa ra, quyền và nghĩa vụ của bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc đăng ký kết hôn nhưng quyền và nghĩa vụ giữa mẹ của bạn và bố của bạn, tài sản được hai bên tạo lập sẽ bị ảnh hưởng bởi việc hai bên có đăng ký kết hôn hay không.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.