Câu hỏi của khách hàng: Sở hữu chung có được tính để xét điều kiện đi lao động nước ngoài
Cho em hỏi :
-Em định đi lao động ở Úc
-Người ta bắt buộc phải có người bảo lãnh tài chính 300 triệu và người bảo lãnh phải đang đứng tên sở hữu một căn nhà (người bảo lãnh phải là cha mẹ anh chị em ruột)
-Ba em đang đứng tên đồng sở hữu sổ hồng với ngoại (vì diện tích tối thiểu không đủ nên không thể tách) trên đất có nhà đang ở nhưng không hoàn công .
-Trường hợp này ba em có được coi là sở hữu nhà không ạ và có được bảo lãnh tài chính cho em không ạ
-Nhờ mọi người tư vấn dùm em ạ
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 23/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền sở hữu đất đai và nhà ở của đồng sở hữu
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.
3./ Luật sư trả lời Sở hữu chung có được tính để xét điều kiện đi lao động nước ngoài
Bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Trong trường hợp bạn đưa ra thì yêu cầu người bảo lãnh phải đang đứng tên sở hữu một căn nhà là để đảm bảo bên bảo lãnh chắc chắn sẽ có đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ thay cho bạn trong trường hợp bạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Nói cách khác, yêu cầu này hướng tới việc “quyền sử dụng đất, ngôi nhà” sẽ chắc chắn là một trong những tài sản có thể xử lý để bảo đảm nghĩa vụ được thực hiện.
Căn cứ Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định như sau:
“1.Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.
2.Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.”
Theo đó, phần lớn các trường hợp trên, bên yêu cầu sẽ chỉ chấp nhận khi bên bảo lãnh là chủ sở hữu của toàn bộ tài sản, hoặc ít nhất là có quyền quyết định với toàn bộ tài sản (có thể thông qua một hợp đồng ủy quyền).
Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào bên nhận bảo lãnh. Bởi, dù gì, tài sản trên vẫn được xác định là tài sản của bố bạn. Mặc dù bố bạn chỉ là đồng chủ sở hữu sổ hồng với ông của bạn nhưng bố bạn hoàn toàn có các quyền của một chủ sở hữu (nhưng một số quyền bị hạn chế để tránh ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu còn lại).
Nói cách khác, bố của bạn và ngoại của bạn (cùng đứng tên trong sổ hồng) phải cùng ký tên hoặc ngoại của bạn có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự cho phép bố của bạn định đoạt tài sản chung thì bố của bạn mới có quyền định đoạt toàn bộ tài sản trên.
Tóm lại, trong trường hợp bạn đưa ra, bố của bạn vẫn được xác định là chủ sở hữu của căn nhà nhưng chỉ được xác định là một trong hai đồng chủ sở hữu (do ngoại của bạn cũng là một người chủ sở hữu của tài sản trên). Còn việc bên nhận bảo lãnh có chấp nhận cho bố của bạn bảo lãnh không còn tùy thuộc vào ý chí của họ.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.