Câu hỏi của khách hàng: Tạm trú có đăng ký kinh doanh mỹ phẩm handmade được không
Nhờ luật sư tư vấn giúp ạ. Em muốn kinh doanh mỹ phẩm handmade. Nhưng em đang tạm trú vậy em có đăng ký kinh doanh được không ạ? Vốn của em chỉ 3 triệu thì có đóng thuế không ạ? Và thủ tục, hồ sơ để đăng kí gồm những gì ạ ? Em không có thuê người chỉ tự làm ở nhà rồi bán thôi ạ.
Luật sư Tư vấn Luật Doanh nghiệp – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 17/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Điều kiện để sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm handmade
- Luật đầu tư năm 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2016
- Luật doanh nghiệp năm 2014
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
- Nghị định 93/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm
- Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm
- Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài
- Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh…
3./ Luật sư trả lời Tạm trú có đăng ký kinh doanh mỹ phẩm handmade được không
Bạn muốn kinh doanh mỹ phẩm handmade, tự làm, tự bán. Bạn có thể lựa chọn kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh. Phù hợp với cá nhân muốn khởi nghiệp, kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, không yêu cầu về cơ cấu tổ chức quản trị rõ ràng, không có kế hoạch mở rộng quy mô trong tương lai. Chế độ kế toán gọn nhẹ, dễ khai báo, có thể đăng ký phương pháp thuế khoán – chỉ phải kê khai và nộp thuế một lần hàng năm. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên. Để thực hiện việc tự làm và bán sản phẩm handmade là mỹ phẩm, chủ thể cần đáp ứng các điều kiện sau:
Căn cứ Mục 192 Phụ lục 4 Luật đầu tư thì việc sản xuất mỹ phẩm là một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, việc bán mỹ phẩm thì không nằm trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư.
-Về điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Căn cứ Điều 3 Nghị định 93/2016/NĐ-CP:
“Điều 3. Điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất mỹ phẩm
1.Được thành lập hợp pháp.
2.Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”
Mà giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm chỉ được cấp cho cơ sở sản xuất mỹ phẩm đáp ứng các điều kiện sau:
+Người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.
+Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm;
+Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.
+Có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu: nguyên liệu, phụ liệu dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; các loại loại bán thành phẩm đưa vào sản xuất phải có tiêu chuẩn chất lượng và đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm; có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm; và có hệ thống lưu giữ hồ sơ, tài liệu.
Khi đã đáp ứng các điều kiện trên, chủ thể cần thực hiện thủ tục xin Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
-Về việc nơi đăng ký tạm trú có được là nơi hoạt động kinh doanh hay không. Pháp luật doanh nghiệp không yêu cầu các chủ thể chỉ được kinh doanh khi có đăng ký thường trú tại địa điểm đặt trụ sở, địa điểm kinh doanh. Nên việc bạn chỉ tạm trú tại địa điểm bạn muốn kinh doanh không ảnh hưởng tới quyền đăng ký kinh doanh của bạn. Tất nhiên, việc đăng ký kinh doanh này phải được thực hiện theo quy định.
Nếu, bạn lựa chọn kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể, căn cứ Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP:
“Điều 66. Hộ kinh doanh
1.Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. …”
Bạn có thể đăng ký kinh doanh với địa điểm là nơi bạn tạm trú. Không nhất thiết phải đăng ký kinh doanh ở địa điểm thường trú của bạn. Tuy nhiên, bạn cần đáp ứng điều kiện về nhân thân, năng lực hành vi dân sự,… theo quy định tại Điều 67 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
-Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể trong trường hợp tự làm và bán mỹ phẩm handmade được thực hiện như sau:
+Bạn cần làm 01 bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, có ngành nghề sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm tới cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh (nơi bạn đăng ký tạm trú). Hồ sơ được chuẩn bị theo Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP gồm:
Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh có các nội dung về tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có); ngành, nghề kinh doanh; số vốn kinh doanh; số lao động; Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của bạn.
Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của bạn.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy biên nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho bạn nếu: Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp với quy định và bạn đã nộp đủ lệ phí theo quy định.
–Sau khi đăng ký kinh doanh thành công, nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp làm thủ tục Công bố sản phẩm mỹ phẩm để được đưa sản phẩm ra thị trường theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BYT, cụ thể:
“1.Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. …”
Hồ sơ công bố theo quy định tại Điều 4 Thông tư 06/2011/TT-BYT gồm:
-Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (2 bản) kèm bản mềm theo mẫu
-Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của bạn chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn nộp 01 bản tại Sở Y tế nơi bạn đăng ký kinh doanh. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và lệ phí theo quy định, Sở y tế ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, trong vòng 05 ngày phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức cá nhân để sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Nếu trong vòng 03 tháng không nhận được hồ sơ bổ sung thì hồ sơ công bố không còn giá trị (Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 06/2011/TT-BYT về thủ tục tiếp nhận và giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm).
Phiếu công bố có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp. Sau 5 năm bạn phải công bố lại và nộp lệ phí theo quy định.
-Nghĩa vụ nộp thuế không phụ thuộc vào “vốn kinh doanh” của bạn mà dựa vào hoạt động kinh doanh của bạn thực hiện trong thời gian bao lâu, mức thu nhập thực tế của bạn khi hoạt động, giá trị của hàng hóa mà bạn làm ra,… Nói cách khác, khi bạn chỉ sử dụng 3 triệu làm vốn hoạt động, bạn vẫn có trách nhiệm kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, nếu việc hoạt động, thu nhập và hoàn cảnh cụ thể của bạn đáp ứng được một số quy định về miễn, giảm thuế thì bạn cũng sẽ được hưởng những ưu tiên trên.
Ví dụ về thủ tục nộp thuế đối với hộ kinh doanh cá thể:
+Lệ phí môn bài mà bạn phải nộp theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì mức thu lệ phí môn bài bạn phải nộp được căn cứ vào doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh: Nếu Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm; Nếu Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm; Nếu doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Trường hợp bạn được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm. Trường hợp bạn không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.
+Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ). Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hoá đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hoá đơn. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau: Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%. Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.
Theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC thì bạn sẽ phải nộp thuế TNCN và GTGT (thuế khoán) nếu doanh thu của bạn trên 100 triệu đồng/năm.Về việc các khoản thu tăng lên bạn phải kiểm tra xem doanh thu của bạn có tăng lên so với năm trước hay không, nếu doanh thu của bạn tăng lên thì cơ quan thuế sẽ khoán doanh thu khoán của bạn tăng lên dẫn đến việc tiền thuế phải nộp của bạn cũng tăng lên.
Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, bạn có thể đăng ký kinh doanh dù bạn đang tạm trú tại địa điểm bạn dự định kinh doanh khi bạn đáp ứng đủ các điều kiện để sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm handmade. Và việc vốn kinh doanh của bạn chỉ có 3 triệu không ảnh hưởng tới nghĩa vụ kê khai và nộp thuế của bạn.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.