Tư vấn trình tự Bảo hộ sáng kiến để không rò rỉ thông tin

Câu hỏi của khách hàng: Tư vấn trình tự Bảo hộ sáng kiến để không rò rỉ thông tin

Chào các Anh Chị. Em mong nhận được sự tư vấn giúp đỡ của các Anh Chị về vấn đề “Bảo hộ sáng kiến”

Trình tự hồ sơ và nơi nhận, phương cách để không rò rỉ thông tin trong thời gian nộp hồ sơ? Và làm sao để biết sáng kiến này chưa có ai xin bảo hộ.

Em cảm ơn các Anh Chị!


Luật sư Tư vấn Luật Sở hữu trí tuệ – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 09/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Bảo hộ sáng kiến

  • Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009
  • Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ban hành điều lệ sáng kiến

3./ Luật sư trả lời Tư vấn trình tự Bảo hộ sáng kiến để không rò rỉ thông tin

Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện như có tính mới trong phạm vi cơ sở đó, đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực. Việc “bảo hộ sáng kiến” được quy định như sau:

Căn cứ Điều 3 Điều lệ sáng kiến được ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP thì một sáng kiến chỉ được bảo hộ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

-Có tính mới trong phạm vi cơ sở công nhận sáng kiến;

-Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực;

-Không thuộc đối tượng bị loại trừ sau:

+Giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội;

+Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến.

Khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, tác giả sáng kiến có quyền yêu cầu công nhận sáng kiến tại các cơ sở được quy định tại Khoản 1 Điều 5 Điều lệ sáng kiến được ban hành kèm theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP, đó là:

-Cơ sở là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;

-Cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, với điều kiện chủ đầu tư tạo ra sáng kiến từ chối công nhận sáng kiến và không có thỏa thuận khác với tác giả sáng kiến;

-Cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, trong trường hợp tác giả sáng kiến đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

Việc yêu cầu công nhận phải được thực hiện trong vòng 01 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

Thủ tục yêu cầu như sau:

-Tác giả sáng kiến gửi đơn yêu cầu công nhận sáng kiến tới các cơ sở đã nêu trên, đơn yêu cầu gồm các nội dung sau:

+Tên cơ sở được yêu cầu công nhận sáng kiến;

+Tác giả sáng kiến, hoặc các đồng tác giả sáng kiến (nếu có) và tỷ lệ đóng góp của từng đồng tác giả;

+Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến;

+Tên sáng kiến; lĩnh vực áp dụng; mô tả bản chất của sáng kiến, trong đó chỉ rõ những thông tin cần được bảo mật (nếu có);

+Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến;

+Những người tham gia tổ chức áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có);

+Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã áp dụng sáng kiến (nếu có) và theo ý kiến của tác giả sáng kiến.

-Cơ sở tiếp nhận đơn yêu cầu sẽ xem xét đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, hỗ trợ tác giả sáng kiến hoàn thiện đơn và có trách nhiệm xét công nhận sáng kiến theo quy định. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, cơ sở có trách nhiệm xem xét đơn yêu cầu và thực hiện các thủ tục sau đây:

+Thông báo cho tác giả sáng kiến về thiếu sót của đơn và ấn định thời hạn 01 tháng để tác giả sửa chữa bổ sung, gửi lại;

+Thông báo cho tác giả sáng kiến về việc chấp nhận đơn, ghi nhận các thông tin liên quan của đơn và lưu giữ hồ sơ đơn phù hợp với quy định;

+Thông báo cho tác giả rõ lý do nếu từ chối chấp nhận đơn.

-Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến theo quy định hoặc từ ngày hoàn thành việc áp dụng lần đầu, nếu sáng kiến được áp dụng lần đầu sau khi đơn được chấp nhận. Cơ sở xét công nhận sáng kiến đánh giá đối tượng nêu trong đơn theo quy định và thực hiện việc công nhận sáng kiến và cấp Giấy chứng nhận sáng kiến cho tác giả sáng kiến, hoặc từ chối công nhận sáng kiến trong trường hợp đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng các điều kiện quy định và thông báo bằng văn bản cho tác giả sáng kiến, trong đó nêu rõ lý do từ chối.

Việc xét công nhận sáng kiến do người đứng đầu cơ sở xét công nhận sáng kiến quyết định.

Còn việc giữ bí mật để không rò rỉ thông tin trong thời gian nộp hồ sơ không có một khuôn mẫu cụ thể, nó phụ thuộc vào các hoạt động của chính người yêu cầu công nhận.

Còn về vấn đề “làm sao để biết sáng kiến này chưa có ai xin bảo hộ” thì hiện chưa có một công cụ nhất định nào tập hợp tất cả các sáng kiến đã được công nhận để người yêu cầu có thể tự do tra cứu, nên việc kiểm tra còn tùy thuộc vào khả năng của bạn.

Ngoài ra, trong trường hợp bạn muốn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sáng kiến trên thì bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, giải pháp hứu ích.

-Văn bằng bảo hộ đối với sáng chế được gọi là “Bằng độc quyền sáng chế”. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ.

-Văn bằng bảo hộ đối với giải pháp hữu ích được gọi là “Bằng độc quyền giải pháp hữu ích”. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ.

Tùy thuộc vào sáng kiến của bạn có tính sáng tạo hay không để đăng ký dưới hình thức nào. Nhưng nhìn chung, việc đăng ký được thực hiện như sau:

-Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, hồ sơ gồm các tài liệu sau:

+Tờ khai yêu cầu cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích (Tờ khai) được làm theo Mẫu do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) ban hành;

+Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích ;

+Yêu cầu bảo hộ;

+Bản vẽ, sơ đồ,bản tính toán… (nếu cần) để làm rõ thêm bản chất của giải pháp kỹ thuật nêu trong bản mô tả SC/GPHI;

+Bản tóm tắt SC/GPHI;

+Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác, gồm một (1) bản;

+Giấy uỷ quyền (nếu cần),gồm một (1) bản;

+Bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày triển lãm,nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế,gồm một (1) bản;

+Chứng từ nộp phí nộp đơn và phí công bố,gồm một (1) bản.

+Bản tiếng Việt của bản mô tả SC/GPHI, Yêu cầu bảo hộ và bản tóm tắt SC/GPHI, nếu trong đơn đã có bản tiếng Anh/Pháp/Nga;

+Bản gốc của Giấy ủy quyền, nếu trong đơn đã có bản sao;

+Bản sao đơn đầu tiên hoặc tài liệu chứng nhận trưng bày triển lãm, kể cả bản dịch ra tiếng Việt.

Trong đó, bản mô tả SC/GPHI phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của giải pháp kỹ thuật cần được bảo hộ và trong bản mô tả phải có đầy đủ các thông tin đến mức căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó. Bản mô tả SC/GPHI phải làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo (nếu đối tượng cần được bảo hộ là sáng chế) và khả năng áp dụng của giải pháp kỹ thuật cần được bảo hộ. Và phải bao gồm các nội dung: Chỉ số Phân loại Sáng chế Quốc tế (Chỉ số PSQ); Tên gọi của giải pháp kỹ thuật; Lĩnh vực kỹ thuật trong đó giải pháp kỹ thuật được sử dụng hoặc liên quan; Tình trạng kỹ thuật thuộc lĩnh vực nói trên tại thời điểm nộp đơn (các giải pháp kỹ thuật đã biết); Bản chất của giải pháp kỹ thuật; Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có); Ví dụ thực hiện giải pháp kỹ thuật; Những lợi ích có thể đạt được (hiệu quả của giải pháp kỹ thuật).

Yêu cầu bảo hộ nhằm xác định phạm vi (khối lượng) bảo hộ đối với sáng chế/giải pháp hữu ích. Yêu cầu bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn,rõ ràng,phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của giải pháp kỹ thuật cần được bảo hộ.

Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích công bố một cách vắn tắt bản chất của sáng chế/giải pháp hữu ích. Và bản tóm tắt SC/GPHI phải bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của giải pháp kỹ thuật nhằm mục đích thông tin.

-Bước 2: Nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới Cục Sở hữu trí tuệ

+Thời gian thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nhận đơn;

+Thời gian công bố đơn: 18 tháng kể từ ngày ưu tiên hoặc tháng thứ 2 từ ngày có yêu cầu thẩm định nội dung;

+Thời gian thẩm định nội dung: 12 tháng từ ngày có yêu cầu thẩm định nội dung hoặc ngày công bố

Lưu ý: Bạn có thể tra cứu Sáng chế tại Cơ sở dữ liệu IPlib của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) để tìm kiếm thông tin về các đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, đã công bố và các sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp văn bằng, đang được bảo hộ tại Việt Nam.

-Các loại lệ phí phải nộp:

+Lệ phí nộp đơn: 180.000 đồng.

+Lệ phí công bố đơn: 120.000 đồng.

+Phí thẩm định nội dung: 420.000 đồng.

+Phí tra cứu: 120.000 đồng.

+Lệ phí cấp bằng: 120.000 đồng.

+Lệ phí đăng bạ: 120.000 đồng.

Như vậy, tùy theo tính chất của sáng kiến của bạn cũng như mục đích và phạm vi bạn định bảo hộ mà bạn có thể lựa chọn bảo hộ sáng kiến tại cơ sở hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Cục sở hữu trí tuệ.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191