Câu hỏi của khách hàng: Tư vấn về việc sử dụng con dấu trong hợp đồng hợp tác kinh tế
Thưa quý anh chị!
Em đang có một thắc mắc sau về hợp đồng hợp tác kinh tế giữa các nhà đầu tư trong nước. Anh chị giúp em giải đáp với ạ.
Sau khi tiến hành việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh tế thì các bên thỏa thuận việc sử dụng con dấu và bên đại diện để tiến hành giao dịch phục vụ cho hợp đồng BCC và các giao dịch với bên thứ 3. Nhưng em vẫn không hiểu là tại sao mình lại sử dụng con dấu chung? Tiếp đến, Luật cho phép hai bên độc lập thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng BCC, vậy thì có thể hiểu hai bên có thể tự mình tham gia ký kết các hợp đồng với bên thứ ba, vậy thì hai bên có thể sử dụng con dấu riêng được không ạ.
Em cảm ơn quý anh chị.
Luật sư Tư vấn Luật Đầu tư – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 02/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Một số quy định liên quan tới quá trình thực hiện hợp đồng BCC
Luật đầu tư năm 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2016
3./ Luật sư trả lời Tư vấn về việc sử dụng con dấu trong hợp đồng hợp tác kinh tế
Căn cứ theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật đầu tư thì “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế”. Việc thực hiện hợp đồng BCC được quy định như sau:
Căn cứ Khoản 1 Điều 28 Luật Đầu tư thì Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Theo đó, việc thực hiện hợp đồng BCC sẽ được tiến hành phù hợp với quy định về pháp luật dân sự.
Căn cứ Khoản 2 Điều 29 Luật Đầu tư thì trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, hai chủ thể của hợp đồng sẽ thỏa thuận với nhau về việc sử dụng một trong hai con dấu của hai doanh nghiệp làm con dấu chung để đại diện cho cả hai bên trong việc thực hiện hợp đồng. Hai bên không thể làm một con dấu mới để sử dụng làm dấu chung do khi xác lập hợp đồng BCC thì không tạo thành chủ thể mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lợi nhuận thì các bên có thể sử dụng lợi nhuận đó để thành lập một pháp nhân mới theo quy định. Khi đó, con dấu được sử dụng có thể là mẫu dấu mới (dấu của công ty được thành lập từ lợi nhuận trên).
Việc hai bên độc lập thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng phải do các bên thỏa thuận. Vì luật cho phép hai bên tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng chỉ cần không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hai bên không thể sử dụng con dấu riêng để nhân danh cả hai bên khi kí kết hợp đồng với bên thứ ba trong phạm vi dự án do hai bên đã thỏa thuận chọn một con dấu để thực hiện giao dịch. Việc sử dụng con dấu riêng của chính công ty sẽ được hiểu là chỉ có công ty có con dấu riêng tham gia vào việc xác lập và có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận.
Ngoài ra, việc tự sử dụng con dấu của mình để tham gia kí kết với bên thứ 3 mà không thông báo và được sự đồng ý của đối tác là một hành vi vi phạm hợp đồng.
Kết luận, do không hình thành pháp nhân mới khi kí kết hợp đồng BCC nên hai pháp nhân cần lựa chọn một con dấu chung (từ một trong các mẫu dấu mà hai bên đang sử dụng) để thực hiện các giao dịch liên quan đến hợp đồng BCC và giao dịch với bên thứ 3. Và khi đã thỏa thuận sử dụng một con dấu thì hai bên không được tự ý dùng con dấu riêng của mình khi tham gia giao dịch với bên thứ 3 trong giao dịch liên quan đến hợp đồng BCC.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.