Câu hỏi của khách hàng: Văn bản từ chối di sản thừa kế cần chứng thực ở đâu
Anh chị luật sư cho mình hỏi, mình muốn làm văn bản từ chối di sản thừa kế và đem chứng thực thì đến tư pháp phường hay là đến cơ quan công chứng vậy mọi người? Mong sự hướng dẫn của mọi người. Xin cám ơn nhiều ạ.
Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 03/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch
3./ Luật sư trả lời Văn bản từ chối di sản thừa kế cần chứng thực ở đâu
Theo quy định của pháp luật thì người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Bên cạnh việc người để lại di sản có quyền định đoạt di sản, chia cho người thừa kế thì người thừa kế cũng có quyền từ chối nhận di sản.
Căn cứ Điều 620 Bộ luật dân sự về Từ chối nhận di sản:
“1.Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2.Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3.Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”
Theo đó, người thừa kế mặc dù có quyền từ chối nhận di sản nhưng việc từ chối này phải không vì mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của chính người thừa kế với người khác và việc từ chối phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản. Bên cạnh đó, việc từ chối còn phải được thể hiện bằng văn bản, mặc dù văn bản từ chối nhận di sản thừa kế không bắt buộc phải được công chứng, chứng thực bởi các chủ thể có thẩm quyền nhưng phải được gửi cho người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người giao nhiệm vụ phân chia di sản.
Tuy nhiên, người từ chối nhận di sản vẫn có thể yêu cầu chủ thể có thẩm quyền chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế.
Căn cứ các quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì việc chứng thực được chia làm “chứng thực bản sao từ bản chính”, “chứng thực chữ ký”, “chứng thực hợp đồng, giao dịch”.
Căn cứ Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP:
“Điều 5.Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực
... 2.Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
… g)Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
… Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã. …
4.Công chứng viên có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực các việc quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều này, ký chứng thực và đóng dấu của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng (sau đây gọi chung là tổ chức hành nghề công chứng).
5.Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. …”
Theo quy định này thì người thừa kế từ chối nhận di sản có thể đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để xin chứng thực văn bản từ chối nhận di sản. Phòng tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các tổ chức hành nghề công chứng (như Phòng Công chứng, Văn phòng công chứng) không có chức năng này.
Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, bạn có thể chứng thực văn bản từ chối nhận di sản ở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà không thể tiến hành ở Phòng tư pháp cấp huyện hay các cơ quan công chứng khác như Văn Phòng công chứng, Phòng công chứng.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.