Câu hỏi của khách hàng: Cho mượn nhà làm hộ khẩu thì có mất đất không?
Mọi người giúp em với ạ , nhà em có bà bác (chị của mẹ ) bị phá sản , nên mẹ em cho ở nhờ một mảnh đất, giờ đang không có hộ khẩu nên muốn làm nhờ trên mảnh đất nhà em ( nhà em hiện đang không ở mảnh đó ) nếu bố mẹ em cho mượn thì sau này có khả năng mất đất không ạ . Bác nào rành luật giúp em với ạ.
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 08/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xác lập quyền sở hữu với quyền sử dụng đất
Bộ luật dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Cho mượn nhà làm hộ khẩu thì có mất đất không?
Hộ khẩu là một phương thức quản lý nhân khẩu của nhà nước Việt Nam, trong phương thức này, đơn vị quản lý xã hội là hộ gia đình, tập thể do một chủ hộ chịu trách nhiệm. Việc có sổ hộ khẩu tại một mảnh đất không phải là căn cứ để những người trong hộ khẩu xác lập quyền sở hữu với mảnh đất đó.
Căn cứ Khoản 2 Điều 179 Bộ luật dân sự:
“Điều 179. Khái niệm chiếm hữu
1.Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.
2… Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp quy định tại các điều 228, 229, 230, 231, 232, 233 và 236 của Bộ luật này.”
Các Điều 228, 229, 230, 231, 232, 233 và 236 Bộ luật dân sự là việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước, theo thời hiệu do chiếm, hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
Căn cứ Điều 221 Bộ luật dân sự:
“Điều 221. Căn cứ xác lập quyền sở hữu
Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây:
1.Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
2.Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
3.Thu hoa lợi, lợi tức.
4.Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.
5.Được thừa kế.
6.Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.
7.Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
8.Trường hợp khác do luật quy định.”
Theo thông tin bạn cung cấp thì việc mẹ của bạn cho nhà bà bác của bạn ở và nhập khẩu vào hộ khẩu được đặt trên mảnh đất không phải là căn cứ để xác lập quyền sở hữu của nhà bác với mảnh đất của gia đình bạn. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp xảy ra sau này về việc này, gia đình bạn nên làm một hợp đồng cho mượn tài sản (ở đây là quyền sử dụng đất, nhà ở gắn liền với đất,…).
Sau này, nếu có tranh chấp, hợp đồng này sẽ là căn cứ để chứng minh phần đất trên là của gia đình bạn, việc sử dụng tài sản trên của nhà bác là do gia đình bạn và gia đình bác đã thỏa thuận với nhau.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc gia đình bà bác nhập khẩu vào sổ hộ khẩu của mảnh đất nhà bạn không phải là căn cứ để xác lập quyền sở hữu của gia đình bác với mảnh đất trên. Tuy nhiên, để tránh rắc rối, gia đình bạn có thể lập hợp đồng thuê nhà/cho mượn theo quy định.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.