Câu hỏi của khách hàng: Chủ máy cho nghỉ việc nhưng không trả lương còn lại thì phải làm sao
tư vấn em với.
Em đi làm thuê. Lái máy xúc. Không có hợp đồng lao động gì cả. Giờ chủ máy cho em nghỉ. Không trả hết số tiền lương còn lại cho em.
Bây giờ làm cách nào để em đòi được tiền lương của em ạ
Em cảm ơn.
Luật sư Tư vấn Bộ luật lao động – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 26/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm trả lương của người sử dụng lao động
- Bộ luật lao động năm 2012
- Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 95/2013/NĐ-CP)
3./ Luật sư trả lời Chủ máy cho nghỉ việc nhưng không trả lương còn lại thì phải làm sao
Hợp đồng lao động được hiểu là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Theo quy định của pháp luật lao động thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương đầy đủ và đúng hạn như đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động cho người lao động.
Căn cứ Điều 23 Bộ luật lao động thì nội dung về “mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác” là một trong những nội dung chủ yếu trong hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động cũng như người lao động có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Trong trường hợp của bạn, bạn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán tiền lương theo quy định. Nếu không thì phải có lý do rõ ràng, hợp lý.
Nếu, bên sử dụng lao động (chủ máy) không thanh toán tiền lương cho bạn theo quy định thì bạn có quyền viết đơn khiếu nại lên Phòng lao động thương binh và xã hội yêu cầu giải quyết.
Khi đó, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:
“Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương
… 3.Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:
a)Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
… 7.Biện pháp khắc phục hậu quả:
a)Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này; …”
Theo đó, người sử dụng lao động ngoài bị phạt tiền vì hành vi không trả lương đúng theo thỏa thuận cho người lao động còn sẽ bị buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả/ trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố.
Ngoài ra, bạn còn có thể khởi kiện tới Tòa án yêu cầu giải quyết khi hai bên đã tiến hành hòa giải nhưng không có kết quả.
Tuy nhiên, để được chủ thể có thẩm quyền giải quyết, bạn phải cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc giữa bạn và chủ máy có tồn tại quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu bạn đã yêu cầu mà bên chủ máy không trả lương cho bạn thì bạn có quyền khiếu nại tới Phòng lao động thương binh và xã hội để được giải quyết và được trả đủ tiền lương theo đã thỏa thuận.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.