Câu hỏi của khách hàng: Chủ nợ đến nhà đòi nợ và hăm dọa thì phải làm gì?
Cho em hỏi với hôm nay em ở nhà và thấy 1 người cho vay nặng lãi mang theo 5 người nữa vào nhà em. Gọi ầm ĩ em em . Em ra ngoài trả lời là em em không có nhà yêu cầu họ ra để em đóng cổng lại và em thấy 1 trong 5 tên ấy vứt điếu thuốc lá ở sân nhà em, em có nói em không được vứt ở sân nhà chị. Rồi tên chủ lên tiếng chửi bới và đe dọa em nói mày muốn chết à? Nó nói tiếp mai tao sẽ cho sân nhà mày thành bãi rác và đầy máu ở sân. Giờ em phải làm sao ạ?
Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 05/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý khi bị cho vay nặng lãi
- Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
3./ Luật sư trả lời Chủ nợ đến nhà đòi nợ và hăm dọa thì phải làm gì?
Theo thông tin bạn cung cấp, em bạn vay nặng lãi, đến thời điểm trả nợ nhưng chưa trả hết nợ nên chủ nợ đến đòi và mang theo 5 người nữa đi cùng, có hành vi đe dọa, gây rối ở nhà bạn cả khi bạn nói em của bạn không ở nhà. Theo đó, bạn nên trình báo với cơ quan công an nơi bạn sinh sống để có biện pháp xử lý tránh xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Trước hết, bạn cần xem hợp đồng vay tài sản của em bạn có hợp pháp không. Tức mức lãi suất có vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay gần bằng 1,67%/tháng. Nếu bên cho vay vi phạm quy định lãi suất tối đa thì giao dịch giữa em bạn và bên cho thuê sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Theo đó, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp, nếu bên cho vay nặng lãi cho vay với lãi suất gấp 5 lần so với mức lãi suất tối đa là 20%/năm thu lợi từ 30 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cho vay nặng lãi.
Căn cứ Điều 201 Bộ luật hình sự:
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1.Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. …”
Theo đó, người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Về hành vi chủ nợ kéo người đến gây rối, làm mất trật tự nhà bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Do chủ nợ chỉ có hành vi làm ồn gây mất trật tự, ảnh hưởng tới gia đình bạn, ảnh hưởng tới hàng xóm xung quanh, không có hành vi đánh đập, gây thương tích.
Đối với hành vi chủ nợ dọa bạn sẽ có cách hành vi gây ảnh hưởng tới bạn và gia đình. Nếu bạn không tin đó là sự thật, không bị những lời lẽ đó làm ảnh hưởng tới tinh thần (theo nhận định của cơ quan chức năng) thì người có hành vi chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm, người đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ điểm b Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về Vi phạm quy định về trật tự công cộng quy định như sau:
“3.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
… b)Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;”
Như vậy, đối với trường hợp trên, bạn nên trình báo với công an về hành vi của những người đến đòi nợ gây rối. Bạn cũng nên xem xét hợp đồng vay tài sản của em bạn và chủ nợ có vi phạm điều cấm của pháp luật không nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho em của bạn.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.