Câu hỏi của khách hàng: Chưa đăng ký kết hôn mà chồng đi làm ở nước ngoài thì có được ghi tên cha vào giấy khai sinh không?
Chào mọi người!
Cho em hỏi 1 vấn đề là: vợ chồng em chưa đăng ký kết hôn. Mà chồng đi làm nước ngoài rồi. Em gần sinh. Không biết khi làm giấy khai sinh em có được ghi tên ba bé vào không. Cần mang theo giấy tờ gì không ạ.
Em cám ơn mọi người nhiều
Luật sư Tư vấn Luật hộ tịch – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 14/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Ghi thông tin cha khi khai sinh cho con ngoài thời kỳ hôn nhân
- Luật hộ tịch năm 2014
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch
- Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2013/NĐ-CP
3./ Luật sư trả lời Chưa đăng ký kết hôn mà chồng đi làm ở nước ngoài thì có được ghi tên cha vào giấy khai sinh không?
Theo quy định của pháp luật thì con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ và đều có nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình. Tuy nhiên, căn cứ để xác định mối quan hệ này đa phần là dựa trên thông tin trên Giấy khai sinh của người con. Trong trường hợp hai bên nam nữ chưa đăng ký kết hôn mà sinh con thì việc ghi thông tin người cha được xác định như sau:
Nhận định dưới đây được xây dựng trên cơ sở các bên đều là công dân Việt Nam.
Căn cứ Khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình:
“Điều 88. Xác định cha, mẹ
1.Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. …”
Theo đó, con của bạn vẫn có thể được xác định là con chung của hai người nếu hai người đều thừa nhận.
Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện trên cơ sở “xác định quan hệ cha con”. Trong trường hợp của bạn, để đơn giản, cha của đứa trẻ nên làm thủ tục yêu cầu đăng ký nhận cha con khi đăng ký khai sinh cho trẻ để được kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha con. Căn cứ Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP thì hồ sơ đăng ký trong trường hợp này gồm:
-Tờ khai đăng ký khai sinh
-Tờ khai đăng ký nhận cha con theo mẫu
-Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định
-Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con theo quy định, đó là:
+Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con;
+Thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng;
Hồ sơ được nộp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bạn do căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 35 Luật hộ tịch thì trẻ em được sinh ra tại Việt Nam mà có cha/ mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ là chủ thể thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trường hợp cha của bé không phải là đối tượng định cư ở nước ngoài thì bạn nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn cư trú.
Sau khi nhận đủ hồ sơ, công chức tư pháp- hộ tịch sẽ kiểm tra và giải quyết hồ sơ cho bạn để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Giấy khai sinh cho bạn.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu bạn có chứng cứ chứng minh người đó là cha của bé thì bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký khai sinh và nhận cha con theo quy định trên để được giải quyết theo quy định. Khi được chấp nhận thì Giấy khai sinh của bé sẽ có tên cha theo quy định.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.