Đã ly hôn nhưng chồng đến nhà chửi bới dọa giết thì phải làm gì?

Câu hỏi của khách hàng: Đã ly hôn nhưng chồng đến nhà chửi bới dọa giết thì phải làm gì?

Xin chào mọi người. Em là …. Sinh năm 87. Có 2 con. Hiện đã ly hôn được 5 tháng. Theo luật pháp thì em được quyền nuôi cả 2 con. Nhưng vì chồng cũ của em nghe lời xúi giục của người khác nên cứ quậy phá đòi nuôi con trai lớn của em. Chính vì vậy mà mọi người trong gia đình em đều khuyên để cho chồng cũ của em nuôi con trai lớn (10 tuổi). Và em nuôi gái út (6 tuổi) để chồng cũ em đỡ buồn và đỡ quậy phá em hơn. Như vậy mới yên ổn và làm ăn được. Nhưng không ngờ anh ta được đằng chân lân đằng đầu mọi người ạ. Anh ta cứ có chén rượu vào là lại lên nhà riêng của em chửi bới và đe dọa giết em. Theo mọi người thì em phải làm như thế nào để có được cuộc sống yên ổn tinh thần để làm ăn và lo cho các con ạ. Kính mong nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi người. Em xin chân thành cảm ơn ạ.


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 15/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý khi chồng cũ tới nhà gây rối

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Bộ luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017)
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;

3./ Luật sư trả lời Đã ly hôn nhưng chồng đến nhà chửi bới dọa giết thì phải làm gì?

Theo quy định của pháp luật thì sau khi ly hôn, bên không trực tiếp nuôi dưỡng con chung có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, có quyền và nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở,… tuy nhiên không có quyền “đòi nuôi con”. Để được nuôi con thì người này chỉ có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Do vậy, việc chồng cũ của bạn đòi được nuôi con là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Bạn có quyền từ chối yêu cầu này của chồng cũ. Trong trường hợp chồng bạn có những hành vi gây rối để bạn phải giao con cho người này, bạn có thể tố cáo chồng cũ về hành vi này.

Với hành vi gây rối của chồng cũ của bạn. Căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a)Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

b)Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;

2.Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

… c)Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng;

Ngoài ra, nếu bạn có căn cứ cho rằng chồng cũ của bạn sẽ thực hiện hành vi giết người như lời đe dọa thì bạn có thể tố cáo chồng cũ của bạn về hành vi đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự:

Điều 133. Tội đe dọa giết người

1.Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. …

Tuy nhiên, bạn nên có một cuộc họp mặt với gia đình chồng cũ để đưa ra yêu cầu chồng cũ ngừng thực hiện các hành vi trên. Để buổi làm việc được hiệu quả, bạn có thể đưa ra hướng xử lý của mình nếu việc gây rối còn tiếp tục diễn ra cũng như về những trách nhiệm mà chồng cũ của bạn phải gánh chịu nếu tình huống xấu nhất xảy ra.

Tóm lại, trong trường hợp của bạn, bạn nên yêu cầu chồng cũ ngừng thực hiện các hành vi trên. Nếu chồng bạn vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi gây rối thì bạn có quyền yêu cầu công an giải quyết theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn cũng như gia đình.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191