Câu hỏi của khách hàng: Đánh người ăn trộm thì làm thế nào để giảm nhẹ trách nhiệm
Cả nhà cho em hỏi, vụ này giờ phải làm sao ạ.
Sự việc là như này. Anh A là bộ đội chuyên nghiệp, 1 hôm đi vào đầm nhà ông B câu trộm cá, bị gia đình ông B và 1 số người dân bắt được và có đánh anh A. Sự việc được đưa lên xã nhưng anh A nhờ người quen xin giảng hòa và gia đình ông B đồng ý vì có quen biết. Vài ngày sau anh A có mang 5 triệu sang nhà ông B trả tiền cá và xin lỗi. Sự việc xong xuôi, nhưng vài ngày sau anh A lại làm đơn kiện ông B đánh anh A tổn hại 20% sức khỏe. Ông B biết cũng đâm đơn kiện lên quân khu và anh A bị điều tra. Anh A đã viết biên bản nhận tội mình ăn trộm cá nhà ông B. Bây giờ 2 bên đang kiện nhau. Anh A kiện ông B tội đánh người, ông B kiện anh A tội ăn trộm. Sự việc được người dân trong làng đều biết. Giờ cách giải quyết tốt nhất cho ông B là như thế nào?
Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 30/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm của người có hành vi gây thương tích cho kẻ trộm
- Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong ĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
3./ Luật sư trả lời Đánh người ăn trộm thì làm thế nào để giảm nhẹ trách nhiệm
Trong trường hợp của bạn, bạn cần nêu rõ hướng mà ông B muốn giải quyết là như thế nào cũng như sự thật khách quan của sự việc trên. Bởi, nếu xét trên mức độ tổn hại sức khỏe của anh A (khi trình bày của bạn là đúng với sự thật khách quan) thì ông B có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Nhưng ngược lại, nếu số liệu trên không đúng với sự thật khách quan mà các cơ quan chức năng điều tra được thì trách nhiệm của ông B cũng sẽ có những thay đổi nhất định.
Dưới đây là nhận định dựa trên nền tảng những thông tin bạn đưa ra là phù hợp với sự thật khách quan, trùng khớp với kết quả điều tra của chủ thể có thẩm quyền. Bạn có thể dựa vào trách nhiệm mà các bên phải chịu trong từng trường hợp để quyết định cách giải quyết tốt nhất cho ông B.
Về hành vi đánh A của ông B làm anh A bị tổn hại 20% sức khỏe. Ông B có thể phải chịu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1.Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: …”
Theo đó, khi ông B có hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của anh A với mức tổn hại là 20% sức khỏe thì ông B có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự thì ông B sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp trên nếu anh A không có yêu cầu hoặc đã rút yêu cầu.
Về hành vi trộm cắp tài sản của anh A, căn cứ Điều 173 Bộ luật hình sự thì hình phạt mà người có hành vi trộm cắp tài sản phải gánh chịu tùy thuộc phần nhiều vào giá trị của tài sản mà người đó trộm cắp được. Mà trị giá của tài sản bị trộm cắp trong trường hợp thông thường phải từ 2.000.000 đồng trở lên, người có hành vi mới bị xử lý hình sự. Trường hợp dưới 2 triệu mà người có hành vi không:
-Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
-Hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
-Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
-Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
-Tài sản là di vật, cổ vật.
Thì người có hành vi sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính. Mà thường, việc câu trộm cá sẽ không đủ để cấu thành tội phạm, do vậy, phần nhiều anh A sẽ chỉ bị xử lý hành chính về hành vi câu trộm cá của nhà ông B. theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì anh A sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng do thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, nhận định ban đầu là ông B sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây tổn hại 20% sức khỏe của anh A. Mức phạt với hành vi này là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Anh A sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính về hành vi câu trộm cá của mình. Mức phạt với anh A là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.