Đất đã đặt cọc tiền bằng giấy viết tay có thể bị lấy lại không

Câu hỏi của khách hàng: Đất đã đặt cọc tiền bằng giấy viết tay có thể bị lấy lại không

Hiện tôi đang mua một miếng đất mặt tiền của ông A giá 300tr. Tôi đã đặt cọc 50tr và ông A đã viết giấy tay cam kết sau 2 năm sẽ làm sổ cho gia đình tôi và nhận phần tiền còn lại. tuy nhiện đến nay đã hết 2 năm nhưng ông A vẫn không làm sổ cho tôi.Hiện giá đất đã thay đổi (sốt giá) nên ông A đã kiện gia đình tôi mượn đòi tài sản theo Luât Dân sự (tranh chấp dân sự), đòi tiền thuê mặt bằng. Và Toà án nhân dân huyện đã có Thông báo thẩm định tài sản của gia đình tôi. Gia đình tôi đã sinh sống trên mảnh đất từ khi đặt cọc (ông A giao đất luôn). Gia Đình tôi đã nâng cấp mặt bằng và làm nhà tạm giá khoảng 150 triệu. Cho hỏi ông A có được quyền kiện gia đình tôi không? nếu kiện thì tôi có khả năng lấy lại đất không.


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 06/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Bộ luật dân sự

Bộ luật dân sự 2015

3./ Luật sư trả lời Đất đã đặt cọc tiền bằng giấy viết tay có thể bị lấy lại không

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn có mua một mảnh đất trị giá 300 triệu, đã đặt cọc 50 triệu (có giấy cam kết), được chủ nhà giao đất nên bạn đã nâng cấp mặt bằng và làm nhà trên đó.

Căn cứ Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 về Đặt cọc quy định như sau:

“…

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Theo đó, đặt cọc là biện pháp để bảo đảm thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ các bên có thể sẽ từ chối việc thực giao kết. Luật quy định nếu bên đặt cọc từ chối giao kết thì tiền cọc sẽ thuộc về bên kia, trường hợp bên nhận cọc từ chối thì phải trả bên đặt cọc số tiền nhận cọc và trả thêm một khoản bằng số tiền đặt cọc mà không ràng buộc các bên phải thực hiện đúng như đã giao kết dù một trong hai bên không muốn tiếp tục thực hiện.

Trong trường này, nếu ông A nhất quyết từ chối giao kết, trả tiền cọc và trả thêm cho gia đình bạn 50 triệu thì gia đình bạn phải trả lại mảnh đất đang sử dụng cho ông A

Về việc ông A kiện đòi tiền thuê mặt bằng:

Trong vụ án tranh chấp dân sự nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, tòa sẽ dựa trên chứng cứ, tài liệu các bên cung cấp để đưa ra quyết định. Do đó, việc ông A kiện đòi tiền thuê mặt bằng mảnh đất gia đình bạn đang sự dụng thì ông A phải cung cấp được văn bản giao kết các bên thỏa thuận Bên A cho Bên B thuê đất trong quá trình làm sổ đỏ hoặc văn bản khác chứng minh được có sự thỏa thuận trên. Nếu ông A không đưa ra được chứng cứ, tài liệu chứng minh về việc có cho thuê mặt bằng thì Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu đó của ông A.

Về phía gia đình bạn cần chứng minh việc sử dụng đất trên là hợp pháp, được ông A cho phép sử dụng thì bạn có quyền yêu cầu bồi thường tiền làm tăng giá trị tài sản và ngôi nhà xây trên đó.

Như vậy, trường hợp ông A giữ nguyên yêu cầu khởi kiện thì bạn phải trả lại mảnh đất đang sử dụng cho ông A và ông A phải bồi thường tiền từ chối giao kết và các chi phí khác (nếu có).

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191