Câu hỏi của khách hàng: Đưa tiền không bằng chứng làm thế nào để đòi lại
Chào mọi người. Mọi người có thể tư vấn giúp mình với:
-Chuyện là gia đình em có nhờ 1 người chạy việc vào công chức, đã đưa tiền nhưng không có bằng chứng để chứng minh người ta đã nhận tiền của em để chạy việc. Bây giờ em muốn tạo bằng chứng bằng cách mời người ta gặp mặt nói chuyện riêng và lén dùng Camera giấu kín trên người quay phim lại,bên cạnh đó nhờ thêm 1 người khác lén quay toàn cảnh từ xa lại.
-Nếu những Clip em quay rõ hình,rõ tiếng và có đề cập đến số tiền,thời gian nhận tiền,tên người nhận, giao kèo giữa 2 bên,….thì những clip đó có làm bằng chứng tố cáo trước tòa được không ạ? Và những bằng chứng đó có “trọng lượng” quyết định đến phán quyết của tòa không ?
-Mọi người có thể giúp em nghĩ ra cách nào có thể đòi lại tiền được không ạ !!
Chân thành cảm ơn mọi người !!!
Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 27/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chứng cứ là băng ghi âm- băng ghi hình lén
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
- Bộ luật dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Đưa tiền không bằng chứng làm thế nào để đòi lại
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì một trong những điều kiện để yêu cầu của người khởi kiện được Tòa án chấp nhận giải quyết là người khởi kiện phải có chứng cứ chứng minh được yêu cầu của mình là hợp pháp. Như khi yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại thì phải có chứng cứ chứng minh rằng có thiệt hại thực tế xảy ra và người bị khởi kiện là chủ thể có trách nhiệm bồi thường.
Căn cứ Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự:
“Điều 93. Chứng cứ
Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”
Căn cứ Khoản 1 Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự thì tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử đều là nguồn của chứng cứ. Tức là băng ghi âm, ghi hình được quay lén,… và chúng sẽ được xác định là chứng cứ khi được cung cấp kèm theo tài liệu về xuất xứ của chúng.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự thì tài liệu nghe được, nhìn được (trong đó có băng ghi âm, ghi hình) được coi là chứng cứ khi chúng được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người đã tự thu âm, thu hình về xuất xứ của những băng ghi âm, ghi hình đó hoặc kèm theo văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình nếu nhận được băng ghi âm, ghi hình từ người khác.
Trên thực tế, thì nội dung mà băng ghi âm, ghi hình thể hiện ra được sẽ được Tòa án chấp nhận khi Tòa án nhận thấy việc này xảy ra một cách khách quan. Không phụ thuộc vào việc băng ghi âm, ghi hình là được thu công khai hay thu lén.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, thì giao dịch giữa gia đình bạn và người nhận tiền đã vi phạm điều cấm của pháp luật, do vậy, giao dịch dân sự trên bị coi là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự). Nên, việc gia đình bạn yêu cầu người kia trả lại tiền chỉ được xây dựng trên việc người này có nhận tiền của gia đình.
Căn cứ Điều 131 Bộ luật dân sự thì giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng, và các brrn có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tức là người đã nhận tiền của gia đình bạn sẽ phải trả lại số tiền trên.
Nên, để yêu cầu người này trả tiền, bạn cần yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự trên là vô hiệu và thực hiện việc yêu cầu người này trả lại số tiền đã nhận trên cơ sở “hoàn trả”. Việc chứng minh người này nhận tiền hoàn toàn có thể sử dụng băng ghi âm, ghi hình có nội dung khách quan, trong đó bên kia thừa nhận đã nhận tiền của gia đình bạn.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn hoàn toàn có thể cung cấp những đoạn băng ghi âm, ghi hình lén cuộc hội thoại giữa hai người để chứng minh việc phía bên kia có nhận tiền của gia đình bạn. Còn việc Tòa án có chấp nhận và yêu cầu bên kia trả lại tiền cho gia đình bạn hay không còn tùy thuộc vào nhận định về tính khách quan của nội dung băng ghi âm và chứng cứ mà bên kia cung cấp được về việc người này đã trả khoản tiền đó hay chưa.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.