Câu hỏi của khách hàng: Giám đốc không xét tăng lương đúng định kỳ có trái luật không
Các anh chị tư vấn giúp em
Em là cử nhân, làm việc ở doanh nghiệp nhà nước theo Hợp đồng không có thời hạn. Trong hợp đồng có ghi lên lương theo quy định của Nhà nước (theo em tham khảo thì là 3 năm một lần cho bậc kỹ sư). Trong quá trình công tác, em hoàn thành tất cả nhiệm vụ, điểm thành tích tốt và chưa vi phạm kỷ luật bao giờ.
Gần đây, Giám đốc mới lên và tổ chức sát hạch trước khi lên lương. Do không có mối quan hệ tốt từ trước nên em bị tạm dừng lên lương. Hiện tại em đã được lên lương nhưng chậm mất 2 tháng so với định kỳ 3 năm lên 1 bậc.
Các anh chị cho em hỏi Giám đốc của em làm vậy có đúng không, có trái luật không và nếu khiếu nại thì em sẽ căn cứ vào đâu.
Em cảm ơn.
Luật sư Tư vấn Bộ luật lao động – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 17/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Vi phạm khi người sử dụng lao động không tăng lương theo thỏa thuận
Bộ luật lao động năm 2012
3./ Luật sư trả lời Giám đốc không xét tăng lương đúng định kỳ có trái luật không
Hợp đồng lao động được hiểu là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Các bên có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo như thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Việc một bên thực hiện không đúng hợp đồng lao động đã thỏa thuận là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ điểm e Khoản 1 Điều 23 Bộ luật lao động thì “chế độ nâng bậc, nâng lương” là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động. Nói cách khác, các chế độ về nâng bậc, nâng lương đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.
Trong trường hợp bạn đã đáp ứng đủ các yêu cầu để được lên lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải lên lương cho bạn.
Việc không lên lương theo thỏa thuận phải có lý do rõ ràng. Thông thường thì việc kéo dài thời hạn nâng lương là do người lao động bị xử lý kỷ luật theo hình thức kéo dài thời hạn nâng lương (tuy nhiên, thời hạn này không được quá 6 tháng).
Tóm lại, việc người sử dụng lao động không nâng lương cho bạn theo thỏa thuận do bạn không “có mối quan hệ tốt từ trước” là vi phạm pháp luật. Do, căn cứ vào Khoản 2 Điều 6 Bộ luật lao động:
“Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
… 2.Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a)Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận khác với người lao động, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
b)Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại với tập thể lao động tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở;
c)Lập sổ quản lý lao động, sổ lương và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
d)Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động và định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương;
đ)Thực hiện các quy định khác của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.”
Bạn có quyền khiếu nại hành vi của Giám đốc mới với người trực tiếp quản lý Giám đốc này (tùy theo mô hình hoạt động của công ty, đó có thể là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hội đồng quản trị,…). Hoặc đưa ra Công đoàn nếu người này là chủ sở hữu của công ty.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc không nâng lương cho bạn khi bạn đủ điều kiện do bạn không có mối quan hệ tốt là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có quyền khiếu nại hành vi trên của Giám đốc tới chủ thể có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.