Câu hỏi của khách hàng: Hàng xóm có lối đi công cộng thì có phải cho đi nhờ qua đất không
Tôi rất mong được sự tư vấn từ các luật sư.
Gia đình (gđ) tôi có mảnh vườn, có một gđ đi nhờ đất tôi (không phải đường đi công cộng) nay gđ tôi làm bờ rào và không cho họ đi nhờ đất tôi nữa. Họ đi nhờ gây thiệt hại về cây cối trong vườn tôi. Họ nói là nhà tôi rào họ sẽ phá rào mà đi. Hôm nay 16/8/2018 họ đã làm đơn kiện gđ tôi ra ấp và ở ấp đã tới xác minh và nói là ngày mai 17/8/2018 sẽ gửi thư mời 20/8/2018 về trụ sở ấp làm việc. Và ở ấp bảo là gđ tôi không được rào mà chờ hoà giải. Trong khi đất họ có đường đi công cộng họ lười biếng, chê xa không đi, đi tắt ngang đất nhà tôi cho gần.
Hỏi: gđ tôi có được phép rào Ranh đất không cho họ đi không? Họ đi nhờ trên đất nhà tôi và họ buộc nhà tôi phải cho họ đi là đúng hay sai ?
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 05/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền đối với bất động sản liền kề
Bộ luật dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Hàng xóm có lối đi công cộng thì có phải cho đi nhờ qua đất không
Quyền đối với bất động sản liền kề được hiểu là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền). Trong đó có quyền về lối đi qua, tuy nhiên, không phải bất kỳ người nào có bất động sản liền kề nhau đều có quyền về lối đi qua này. Quyền này chỉ phát sinh trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Khoản 1 Điều 175 Bộ luật dân sự thì ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thể hiện qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc qua quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Theo thông tin bạn cung cấp thì phần đất trên là đất thuộc sở hữu của bạn, không phải là lối đi chung. Do vậy, người đi nhờ đất nhà bạn sẽ chỉ có quyền đi qua phần đất này khi bạn đồng ý hoặc khi người này có quyền về lối đi qua đối với phần đất của bạn.
Quyền của người đi nhờ đất nhà bạn được xác định là quyền về lối đi qua theo quy định tại Điều 154 Bộ luật dân sự khi người này có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng.
Tuy nhiên, như bạn đã trình bày thì người này hoàn toàn có một lối đi công cộng có thể sử dụng được. Nói cách khác, người này không phải là đối tượng được hưởng “quyền về lối đi qua” đối với phần đất của bạn.
Mặc dù vậy, khi Ủy ban nhân dân nhận được đơn yêu cầu của người đi qua đất nhà bạn, Ủy ban có trách nhiệm tiến hành hòa giải theo đúng trách nhiệm của mình. Việc hòa giải này của Ủy ban được coi là một căn cứ để hai bên yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định.
Trong trường hợp, bạn dựng rào quanh đất của mình, bên đi nhờ đất cũng như Ủy ban đều có quyền yêu cầu bạn không được dựng rào trong quá trình tranh chấp. Tuy nhiên, người đi nhờ đất nhà bạn không có quyền phá hàng rào mà bạn xây dựng. Việc tự ý phá rào của người này là việc phá hoặc, gây hư hỏng,… tài sản của bạn. Bạn có quyền yêu cầu người này bồi thường thiệt hại thực tế mà việc phá dỡ hàng rào của người đó gây ra.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, gia đình bạn hoàn toàn có quyền quyết định có cho người này đi nhờ trên mảnh đất của bạn hay không. Bên kia không có quyền bắt buộc bạn phải cho họ đi qua khi người này hoàn toàn có thể sử dụng lối đi công cộng để đi lại. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp, bạn cần “giữ nguyên tình trạng” cho tới khi giải quyết xong. Bạn có thể đưa tranh chấp ra Tòa án để giải quyết triệt để nếu hai bên không hòa giải thành tại Ủy ban.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.