Ly hôn có 2 con dưới 36 tháng tuổi nhưng không có nghề nghiệp có được nuôi con không

Câu hỏi của khách hàng: Ly hôn có 2 con dưới 36 tháng tuổi nhưng không có nghề nghiệp có được nuôi con không

Xin chào các luật sư!
Xin tư vấn giúp em với ạ.
Vợ chồng em kết hôn được 4 năm, nay muốn ly hôn, tài sản chung: không có (ở nhờ nhà ngoại do gần cơ quan chồng công tác). Con chung: 1 bé 23 tháng tuổi, 1 bé 1 tháng tuổi.
Chồng em là bộ đội lương 7 triệu, em không có nghề nghiệp (em mới bán hàng online- thu nhập không đều).
Lý do ly hôn: cuộc sống không hợp nhau, bất đồng quan điểm, hay cãi nhau, rận dỗi, 2 bên thuận tình ly hôn.
Vậy xin hỏi con em đều dưới 36 tháng nhưng em không có nghề nghiệp vậy thì em có được quyền nuôi cả 2 đứa không ạ?!


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 15/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Điều kiện để có thể trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

3./ Luật sư trả lời Ly hôn có 2 con dưới 36 tháng tuổi nhưng không có nghề nghiệp có được nuôi con không

Theo quy định của pháp luật thì ly hôn là quyền của hai bên nam nữ trong mối quan hệ hôn nhân. Việc ai là người sẽ trực tiếp nuôi con chung sau khi hai bên ly hôn sẽ do hai bên tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp con chung dưới 36 tháng tuổi thì thông thường người mẹ sẽ là người được Tòa án giao trực tiếp nuôi con (trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện).

Căn cứ Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo đó, nếu hai con chung của hai bạn đều dưới 36 tháng tuổi thì bạn sẽ được Tòa án giao cho trực tiếp nuôi dưỡng cả hai bé nếu bạn và chồng không thỏa thuận được, trừ trường hợp bên kia chứng minh được trước Tòa rằng bạn không đủ điều kiện để nuôi hai bé.

Tuy nhiên, việc bạn có đủ điều kiện để nuôi hai bé sau khi ly hôn không lại tùy thuộc vào nhận định của Tòa án, và thông thường Tòa án sẽ dựa vào các yếu tố sau để nhận định vấn đề “không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con”: khả năng tài chính (lương, tài sản,…), khả năng cung cấp nơi ở cố định cho bé, thời gian có thể giành ra khi trực tiếp nuôi bé, yếu tố đạo đức, thói quen của người trực tiếp nuôi dưỡng,…

Nhưng, trên thực tế thì yếu tố tài chính về lương tháng thường không mang yếu tố quyết định, ảnh hưởng tới quyết định của Tòa án khi hai bên muốn giành quyền trực tiếp nuôi con. Do theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

… 2.Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. …

Nói cách khác, người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu bên kia cấp dưỡng cho con theo quy định. Nếu bạn không đủ khả năng tài chính để một mình nuôi cả hai bé thì bạn có quyền yêu cầu chồng bạn cấp dưỡng cho hai bé một số tiền hợp lý.

Bên cạnh đó, thường thì yếu tố ảnh hưởng nhất tới quyết định của Tòa án về việc đủ hay không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con là yếu tố về nhân phẩm, đạo đức của chính người đó.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu bên kia chỉ dựa vào việc bạn không có lương cố định để chứng minh bạn không đủ điều kiện nuôi con thì có rất ít khả năng Tòa án chấp nhận việc “bạn không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” trên căn cứ này. Bạn có quyền yêu cầu cha của bé cấp dưỡng sau khi ly hôn khi bạn trực tiếp nuôi dưỡng hai bé.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191