Câu hỏi của khách hàng: Mạo danh xin lại điện thoại bị tịch thu rồi không trả
Em chào các anh chị, em còn là học sinh. Hôm qua, trong giờ học em chơi điện thoại rồi bị giáo viên thu (Iphone 6s, 64gb-mua mới 12 triệu, em mua cũ 4 triệu). Thằng bạn em, nó về nhà nói với anh trai nó là em bị thu máy. Và anh trai nó đã đến trường gặp giáo viên và xin lại chiếc điện thoại của em, giáo viên đã đưa cho anh nó.
Em đã gặp riêng và xin lại chiếc điện thoại từ anh ấy. Nhưng anh ấy không trả.
Em bây giờ chẳng biết nên làm gì nữa, mong các anh chị tư vấn giúp em, em cảm ơn ạ.
Em xin nói thêm, cái anh lấy điện thoại của em đã từng đi tù 8 năm vì tội trộm cướp.
Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 02/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
- Luật tố cáo năm 2011
3./ Luật sư trả lời Mạo danh xin lại điện thoại bị tịch thu rồi không trả
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn không nhờ anh trai kia đến gặp thầy để lấy điện thoại giúp bạn. Mà tự người đó đã gặp thầy và nhận mình là anh trai của bạn để được thầy tin tưởng giao cho. Như vậy, có thể thấy anh đó đã có hành vi gian dối, lừa thầy của bạn để chiếm đoạt chiếc điện iphone 6s với giá mua cũ là 4 triệu với lỗi cố ý. Hành vi đó đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của bạn. Bạn có quyền tố cáo hành vi của người này tới công an để yêu cầu giải quyết
Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1.Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a)Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b)Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; …”
Do, khi bạn bị tịch thu điện thoại, giáo viên là người quản lý hợp pháp của chiếc điện thoại trên. Mà người kia lại có hành vi lừa dối giáo viên này, để giáo viên đưa điện thoại cho người đó nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn. Tài sản chiếm đoạt là chiếc điện thoại có giá trị lớn hơn 2.000.000 đồng.
Theo đó, hành vi của người này đã đủ dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau quá trình điều tra, xét xử của các chủ thể có thẩm quyền mà Tòa án nhận định người này có hành vi trên và cơ quan điều tra có thu giữ được chiếc điện thoại của bạn thì bạn sẽ được nhận lại chiếc điện thoại đó theo quy định.
Tuy nhiên, do người có hành vi vi phạm kia không phải là người có đạo đức tốt nên bạn cần chú ý về việc người đó có khả năng “đe dọa, hành hung” bạn để trả thù.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có thể tố cáo về hành vi trên của người đó tới công an để được giải quyết. Sau quá trình giải quyết, nếu phía công an thu giữ được chiếc điện thoại của bạn thì bạn sẽ được chủ thể có thẩm quyền giao trả theo quy định.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.