Câu hỏi của khách hàng: Nghỉ việc công ty giữ sổ bảo hiểm thì làm gì để lấy lại
Em có câu hỏi này xin mọi người trả lời giúp ạ!
Trước em có làm ở công ty thứ 1 và đóng bảo hiểm được 2 năm rưỡi. Sau đó em vào công ty thứ 2 làm được 7 tháng và đã nộp sổ bảo hiểm cho họ để nối tiếp. Khi thôi việc ở công ty thứ 2 em có viết đơn nghỉ việc, thời gian thôi việc là 30 ngày tính từ ngày làm đơn. Nhưng em đã nghỉ trước mà không làm hết 30 ngày, theo luật họ bảo công ty sẽ phạt em 1 tháng rưỡi lương tức 6 triệu 400 nghìn vì tội đã nghỉ trước thời gian quy định. Lương tháng trước thì công ty đã thanh toán hết cho em rồi, giờ còn cái sổ bảo hiểm họ không cho lấy, họ bắt e phải nộp đủ số tiền đó.
Mọi người cho em hỏi việc họ giữ sổ bảo hiểm như vậy có đúng không? Và em cần phải làm gì để lấy được sổ bảo hiểm?
Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư Tư vấn Bộ luật lao động – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 28/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý khi người sử dụng lao động giữ sổ bảo hiểm
- Bộ luật lao động năm 2012
- Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đã được đính chính bởi Công văn 1605/TTg-KGVX năm 2013 và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP)
3./ Luật sư trả lời Nghỉ việc công ty giữ sổ bảo hiểm thì làm gì để lấy lại
Bảo hiểm xã hội được hiểu là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Một trong những căn cứ để người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội chính là việc đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Và sổ bảo hiểm xã hội chính là một trong những chứng cứ quan trọng chứng minh việc người lao động có đóng bảo hiểm. Khi hợp đồng lao động chấm dứt, người lao động sẽ được trả lại sổ bảo hiểm xã hội để có căn cứ hưởng những quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Căn cứ Khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lại sổ bảo hiểm của người lao động khi hai bên chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu, người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ này thì sẽ bị chủ thể có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng do hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động khi sổ bảo hiểm của bạn đáp ứng các tiêu chí để làm giấy tờ tùy thân.
Giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật Việt Nam có thể được hiểu là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.
Bạn có thể gửi đơn khiếu nại tới người sử dụng lao động (giám đốc công ty chẳng hạn) yêu cầu người này thực hiện việc trả lại sổ bảo hiểm cho bạn theo đúng quy định của pháp luật. Nếu vụ việc không được giải quyết thì bạn có thể khiếu nại tới Phòng lao động thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện để yêu cầu giải quyết.
Ngoài ra, bạn còn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, việc giải quyết qua Tòa án sẽ mất khá nhiều thời gian nên đây được coi là biện pháp cuối cùng.
Bên cạnh đó, việc bồi thường của bạn khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (ở đây là vi phạm về thời hạn báo trước) được quy định tại Điều 43 Bộ luật lao động như sau:
“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1.Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2.Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3.Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có thể làm đơn yêu cầu người sử dụng lao động trả lại sổ bảo hiểm cho bạn theo đúng quy định của pháp luật. Nếu, người sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm cho bạn thì bạn có thể gửi đơn khiếu nại về hành vi giữ sổ bảo hiểm của bạn tới Phòng lao động thương binh và xã hội để được giải quyết.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.