Câu hỏi của khách hàng: Người tâm thần đánh chết người phải chịu trách nhiệm thế nào
Chào mọi người. Mong mọi người cho mình xin ý kiến. Bên cạnh nhà mình có một chú tâm thần, hôm qua, chú cầm gậy đập một em nhỏ 8 tuổi, khiến em tử vong tại chỗ. Vậy theo luật thì gia đình nhà chú ấy có phải bồi thường không? Và chú ấy bị đi tù không? Em cảm ơn.
Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 22/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm của người mắc bệnh tâm thần khi có hành vi gây thiệt hại cho tính mạng của người khác
- Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Bộ luật dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Người tâm thần đánh chết người phải chịu trách nhiệm thế nào
Theo thông tin bạn cung cấp thì người có hành vi gây chết người là người mắc bệnh tâm thần, do vậy, trách nhiệm mà người này phải gánh chịu còn tùy thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra xem khi thực hiện hành vi người này có đang phát bệnh không. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên gây thiệt hại được xem xét bình thường, không được miễn trách nhiệm.
Căn cứ quy định của Điều 21 Bộ luật hình sự:
“Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Theo đó, chỉ khi nào kết luận của cơ quan điều tra chứng minh việc người có hành vi phạm tội trên thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì người này mới không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nói cách khác, người có hành vi dùng gậy đập một em nhỏ 8 tuổi dẫn đến tử vong sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
-Kết luận giám định pháp y tâm thần của chủ thể có thẩm quyền ghi nhận bệnh tâm thần mà người này mắc phải làm họ mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.
-Kết quả điều tra của cơ quan điều tra chứng minh được người này thực hiện hành vi khi đang phát bệnh- tức đang không thể nhận thức hoặc điều khiển được hành vi của chính họ.
Nếu không đáp ứng cá điều kiện trên thì người này vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, người mắc bệnh tâm thần vẫn sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự, cụ thể:
-Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
-Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
-Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Trong trường hợp này, thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Về việc bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định trên cơ sở là có thiệt hại xảy ra, việc người gây thiệt hại gây thiệt hại khi đang phát bệnh nên không thể nhận thức, điều khiển hành vi không phải là căn cứ để bên gây thiệt hại được miễn trừ trách nhiệm bồi thường. Do vậy, trong trường hợp trên, phía gây thiệt hại vẫn sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Số tiền bồi thường sẽ được lấy từ tài sản của người này.
Như vậy, trong trường hợp của bạn đưa ra. Việc người mắc bệnh tâm thần kia có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không còn tùy thuộc vào kết luận giám định pháp y tâm thần cũng như kết luận điều tra của phía cơ quan điều tra. Còn việc bồi thường thiệt hại thì bên gây thiệt hại vẫn sẽ phải bồi thường theo quy định, kể cả khi gây thiệt hại người này đang không thể nhận thức hoặc điều khiển được hành vi của mình.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.