Ông bà có quyền giành quyền nuôi con không

Câu hỏi của khách hàng: Ông bà có quyền giành quyền nuôi con không

Vâng thưa luật sư, con tôi kết hôn năm 2015, nhưng do văn hóa không hợp nhau nên cuộc sống gia đình có nhiều mâu thuẫn, giờ đây 2 đứa nó bỏ nhau, con được phân sang cho mẹ, nhưng mẹ nó lại đi vào tận Hồ Chí Minh làm việc, bố nó thì sang Thái lao động, chúng tôi mỗi lần nhớ cháu chỉ có thể gọi điện mà không được gặp, tôi đã nhiều lần nói con tôi đòi lại quyền nuôi con nhưng nó không chịu làm, vậy chúng tôi là ông bà thì có thể tự đứng ra khởi kiện để đòi quyền nuôi con về cho con trai tôi được không, thủ tục như thế nào?


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 02/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi ly hôn

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Ông bà có quyền giành quyền nuôi con không

Theo quy định của pháp luật, chỉ có cha mẹ mới là người có quyền trực tiếp nuôi con khi hai bên ly hôn. Ông bà có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu khi cháu chưa thành niên không có cha, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con. Trong trường hợp thông thường, ông bà chỉ có quyền chăm sóc, trông nom, giáo dục cháu, chứ không có quyền tranh chấp quyền trực tiếp nuôi dưỡng cháu khi cha, mẹ đã thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi dưỡng con khi ly hôn.

Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn quy định như sau:

“1.Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. …”

Căn cứ Khoản 1 Điều 104 Luật hôn nhân và gia đình:

“Điều 104. Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

1.Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu. …”

Theo đó, ông bà nội không phải là chủ thể có quyền giành quyền trực tiếp nuôi dưỡng bé khi cả hai bên cha, mẹ của bé đều còn sống, không mất khả năng lao động, đủ điều kiện nuôi dưỡng bé. Trong trường hợp của bác, để được trực tiếp nuôi dưỡng bé, bố của bé (tức là con trai của bác) bắt buộc phải có yêu cầu Tòa thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định. Nếu bố của bé được Tòa án quyết định sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng bé thì bố của cháu có thể “nhờ” ông bà nuôi hộ. Khi đó, bác sẽ được trực tiếp nuôi dưỡng bé.

Tuy nhiên, theo bác trình bày thì con của bác không đồng ý việc này nên hai bác sẽ không được yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi bé sau khi hai vợ chồng ly hôn.

Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Khoản 5 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình, vì lợi ích của bé, các bác, dưới tư cách là người thân thích sẽ có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi mẹ bé, là người đang trực tiếp nuôi bé không còn đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, trong trường hợp này, hai bác không thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về “thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” khi con trai hai bác không đồng ý. Trừ trường hợp hai bác chứng minh được mẹ của bé không đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng bé.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191