Tiền lương bao nhiêu thì có thể giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn

Câu hỏi của khách hàng: Tiền lương bao nhiêu thì có thể giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn

Tôi muốn hỏi về việc giành lại quyền nuôi con

Tôi có ly hôn cách đây khoảng 2 năm rồi, tôi đang nuôi con gái còn vợ tôi thì nuôi con trai.

Vợ cũ tôi hiện đang sống chung với một người đàn ông khác. Chuyện là thế này, mấy hôm trước thì con tôi vẫn học ở trường gần nhà tôi, thứ 7, chủ nhật nó có về nhà tôi ở, mẹ nó mới đón đây thôi. Nhưng dạo này, tôi không thấy nó đi học, cũng không đến nhà tôi, tôi có liên lạc với mẹ nó thì cũng không được. Cho nên, tôi có đến hỏi cô giáo thì cô bảo nó chuyển trường rồi. Vợ cũ của tôi cũng bán nhà rồi. Tôi được biết thì mẹ nó mang nó lên miền núi để ở cho nên tôi muốn mình được nuôi nó luôn. Vậy tôi có quyền đấy không, và phải nộp giấy tờ gì.

Ngoài ra, tôi thấy trên đơn yêu cầu có mục về tiền lương ý, cho tôi hỏi, tiền lương bao nhiêu thì được nuôi cả hai đứa.

Tôi cảm ơn


Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 07/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Điều kiện giành lại quyền nuôi con sau khi ly hôn

Trẻ em là một trong những đối tượng cần được chăm sóc, giáo dục. Nhà nước ta cũng có những chính sách, quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Trong trường hợp, sau khi ly hôn, vì lợi ích của đứa bé là con chung của hai vợ chồng, người chồng hoàn toàn có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con tới Tòa án để được giải quyết.

Căn cứ Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình:

“Điều 84.Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1.Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2.Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a)Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b)Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3.Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. …

Theo đó, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn khi nhận thấy vợ cũ của mình không còn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục con. Trong trường hợp con trai bạn từ đủ 7 tuổi trở lên thì việc thay đổi người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục bé  cần phải xem xét cả nguyện vọng của chính bé nữa.

Về điều kiện để một người được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Pháp luật không có một quy chuẩn cụ thể nào tuy nhiên, trên thực tế, việc yêu cầu thay đổi được căn cứ trên yếu tố “không đủ điều kiện” thường sẽ là điều kiện về đạo đức, nhân phẩm của người đang trực tiếp nuôi dưỡng bé. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đưa ra các yếu tố khác về tài chính, thời gian mà bên kia bỏ ra để chăm sóc bé, về môi trường mà bên kia đang cung cấp cho bé,… để Tòa án nhận định, xem xét việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Bạn cần chứng minh được bạn có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng,.. cho bé hơn bên kia để Tòa án xem xét  việc thay đổi này.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự thì “tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” là một trong những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Về hồ sơ yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Bạn cần nộp đơn khởi kiện thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn kèm theo các tài liệu chứng cứ chứng minh những căn cứ mà bạn đã đưa ra để yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Yếu tố tiền lương không phải yếu tố bắt buộc để bạn giành được quyền nuôi con, Hồ sơ bạn cần nộp gồm đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ bạn có thể cung cấp được.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191