Câu hỏi của khách hàng: Cho mượn đất không giấy tờ thì giải quyết bồi thường thế nào khi bị thu hồi
Nhà em có một mảnh đất khai hoang từ năm 1992 đến năm 2002 thì cho họ hàng xa xây nhà trên đất của em, hiện tại năm 2018 thì mảnh đất được quy hoạch thu hồi và bồi thường theo quy định của nhà nước, lúc đó đi đo đạc thống kê đất và tài sản trên đất thì họ hàng nhà em có nói là cho số đất đó vào sổ bồi thường của họ để được đền bù đất ở (do đất ở được nhiều tiền hơn đất vườn) và 2 bên có thỏa thuận là nhà em sẽ lấy, 2/3 số tiền đất còn lại sẽ là của họ hàng, nhưng sắp đến lúc nhận tiền bồi thường thì họ trở mặt với gia đình em và chỉ bồi thường số đất đó quy vào đất vườn cho nhà em nhưng gia đình em không chịu, em có viết đơn tố cáo chiếm đoạt tài sản mang xuống cho họ đọc và giấy thỏa thuận 2/3 số tiền sẽ cho nhà em. Nhưng hiện tại gia đình đó báo với công an xã có thể họ sẽ vào cuộc giải quyết. Bây giờ gia đình em phải làm gì, 2 gia đình đều chưa có sổ đất , bằng chứng gia đình em cho mượn đất thì không có , chỉ có sự công nhận đất đó là của gia đình em từ dân bản, và có cây nhà em được bồi thường trong sổ bồi thường nhà em là trồng trên đất hộ gia đình đó. Ai giúp em với !!
Luật sư Tư vấn Luật đất đai – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 15/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Bồi thường đất khi xác định sai người sử dụng đất
- Luật đất đai năm 2013
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)
- Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
3./ Luật sư trả lời Cho mượn đất không giấy tờ thì giải quyết bồi thường thế nào khi bị thu hồi
Trước hết, với thông tin bạn đưa ra thì gia đình bạn cùng gia đình người mượn đất đã có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi cố tình khai sai sự thật về mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất để được hưởng mức bồi thường không đúng với quy định của pháp luật. Do vậy, bạn phải xem xét tính chất của hành vi của hai bên để tránh những bất lợi cho chính bản thân và gia đình.
Về việc thỏa thuận đã xác lập giữa hai bên ghi nhận việc gia đình bạn sẽ lấy 2/3 số tiền bồi thường đất đó. Căn cứ Điều 122 và Điều 123 Bộ luật dân sự thì giao dịch trên giữa gia đình bạn và gia đình người mượn đất là vô hiệu, do đó, bạn không thể lấy lý do người này không trả tiền theo thỏa thuận để làm căn cứ tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của họ.
Bên cạnh đó, việc đơn tố cáo người này có hành vi chiếm đoạt tài sản mà không có căn cứ chứng minh cho nhận định của bạn được gửi ra công an lại là một yếu tố gây bất lợi cho chính bạn. Bởi, việc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền là dấu hiệu của tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự:
“Điều 156. Tội vu khống
1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a)Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b)Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. …”
Do hai bên đã cố tình có hành vi gian dối để được bồi thường một khoản tiền lớn hơn số tiền được bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, nên, hai bên còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 102/2014/NĐ-CP tương ứng với hành vi vi phạm cụ thể của hai bên.
Về việc đòi lại số tiền đền bù trong trường hợp của bạn, bạn cần chứng minh được diện tích đất tranh chấp là của gia đình bạn. Tức là số tiền đền bù đất mà gia đình kia nhận được phải là của gia đình bạn. Bạn có thể thỏa thuận với gia đình nhà kia để tránh tổn thất cho gia đình. Nếu không thỏa thuận được bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã giải quyết tranh chấp theo quy định. Bạn cũng có thể tiến hành thu thập các chứng cứ chứng minh việc diện tích đất bị thu hồi kia là của gia đình của bạn, khi có chứng cứ chứng minh thì gia đình bạn có thể yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp giải quyết tranh chấp khi không hòa giải được tại cơ sở.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có thể xem xét tính chất và mức độ nghiêm trọng của các sự việc xung quanh để tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho các bên. Để đòi số tiền được bồi thường từ gia đình kia, bạn cần phải chứng minh được diện tích đất được đền bù đó là thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.