Câu hỏi của khách hàng: Chồng bị bắt vì hàng cấm thì vợ có phải chịu tội cùng không?
Cho em hỏi là chồng có dính đến hàng cấm, là vợ có khuyên ngăn nhưng không được,nếu người chồng đó bị bắt thì người vợ có bị chịu tội cùng không ạ?
Luật sư Tư vấn Luật Hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 11/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm của vợ khi chồng phạm tội
- Bộ luật Hình sự năm 2015;
- Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017
3./ Luật sư trả lời Chồng bị bắt vì hàng cấm thì vợ có phải chịu tội cùng không?
Tội phạm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và chịu các hình phạt theo quy định của bộ luật hình sự. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Hành vi không tố giác tội phạm cũng là một tội phạm được quy định theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, khoản 1 Điều 19 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.
Theo đó, hành vi biết rõ tội phạm đang thực hiện mà không tố giác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm. Tuy nhiên, khoản 2 Điều này quy định:
“2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.
Điểm đ khoản 1 Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015, có quy định về tội “đ) Điều 188, các khoản 3 và 4 (tội buôn lậu); Điều 189, khoản 3 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190, các khoản 2 và 3 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191, các khoản 2 và 3 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm);…”
Do đó, tuy người không tố giác tội phạm là vợ của người phạm tội, nhưng tội phạm không bị tố giác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự nên vợ của người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.
Căn cứ khoản 1 Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bởi khoản 138 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017) quy định: “1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, trường hợp chồng phạm tội liên quan đến hàng cấm (bao gồm một trong các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển) mà người vợ không tố giác thì người vợ sẽ bị chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm. Hình phạt có thể là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tuy nhiên, người vợ đã có hành vi khuyên ngăn người chồng, đây có thể được Tòa xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội không tố giác tội phạm của người vợ.
* Cần lưu ý, trách nhiệm hình sự của ngừi vợ là về tội không tố giác tội phạm, người vợ không phải chịu trách nhiệm về tội phạm về đến hàng cấm của người chồng.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.