Chồng bỏ đi từ lâu thì làm sao để bán được đất?

Câu hỏi của khách hàng: Chồng bỏ đi từ lâu thì làm sao để bán được đất?

Em viết bài này là có công việc mong các bác tư vấn, giúp đỡ.
Chuyện là thế này.
Em đang muốn mua 1 mảnh đất của bà A. Hai bên thuận mua, vừa bán rồi nhưng còn vướng thủ tục pháp lý.
Chồng bà A bỏ nhà đi từ năm 1996 (đã lấy vợ 2, đã thay tên đổi họ, giấy tờ tùy thân mới, hiện 1 người con xác nhận là vẫn liên lạc được). Tuy nhiên bà A và chồng bà vẫn chưa làm thủ tục ly hôn.
Năm 2015 bà A được 1 tổ chức đoàn thể cấp cho 1 mảnh đất. Quyết định ghi rõ “cấp cho hộ gia đình bà A”. Hộ bà A được cấp sổ đỏ, sau đó bà A đã chuyển quyền sở hữu đất từ “Hộ bà A” sang “Bà A”.
Hiện bà A đang sở hữu sổ hồng ghi chủ sở hữu là Bà A.
Giờ bà A không thể bán đất cho em vì khi làm thủ tục thì người ta yêu cầu phải có chữ ký của chồng bà A đồng ý bán mới bán được.
Mong các bác tư vấn giúp. Em muốn mua đất, cũng muốn giúp bà A việc này chứ chả lẽ mãi mãi không bán được sao?


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 08/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền sử dụng khi đất được giao cho hộ gia đình

  • Luật đất đai năm 2013
  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

3./ Luật sư trả lời Chồng bỏ đi từ lâu thì làm sao để bán được đất?

Trong trường hợp chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình thì hộ gia đình sử dụng đất phải là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bà A là người hiện đang sử dụng mảnh đất mà một tổ chức đoàn thể cấp cho hộ gia đình bà A. Nên, về mặt pháp lý, quyền sử dụng phần đất trên được  xác lập quyền sở hữu với hộ gia đình bà A, tức là toàn bộ những thành viên gia đình có trong hộ khẩu gia đình của bà A tại thời điểm mà bà A được tổ chức cấp quyền sử dụng phần đất trên.

Nói cách khác, bà A chỉ được xác định là một trong những chủ sở hữu của quyền sử dụng phần đất trên, chồng của bà A cũng được xác định là chủ sở hữu quyền sử dụng phần đất này. Tức là quyền sử dụng phần đất trên là tài sản chung của hai vợ chồng bà A.

Tuy nhiên, nếu bà A có chứng cứ chứng minh được quyền sử dụng phần đất trên là tài sản riêng của bà A thì bà A có thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất trên mà không cần sự đồng ý của chồng bà A. Việc này cần đáp ứng hai điều kiện sau:

-Thứ nhất, tại thời điểm tổ chức quyết định cấp cho hộ gia đình bà A quyền sử dụng mảnh đất trên, hộ gia đình bà A không có thành viên là chồng của bà. Nếu vậy, quyền sử dụng phần đất trên có thể được xác định là thuộc quyền sở hữu chung của hai vợ chồng bà A, nhưng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại cần sự đồng ý của những người còn lại đã được ghi nhận là thành viên hộ gia đình (nếu có).Tuy nhiên, trường hợp này rất khó xảy ra.

-Thứ hai, quyền sử dụng phần đất trên được xác định là tài sản riêng của bà A trong thời kỳ hôn nhân. Thực chất điều kiện này cũng giống với điều kiện đầu tiên, bởi khi chứng minh được tổ chức quyết định cấp đất cho hộ gia đình bà A mà không có chồng của bà A có thể là căn cứ để chứng minh quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bà A. Tuy nhiên, việc chứng minh là tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được coi là căn cứ để bà A có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không cần sự đồng ý của chồng của bà. Bởi, ngay cả khi bà A chứng minh được “hộ gia đình” mà tổ chức đã cấp đất không bao gồm chồng của bà thì quyền sử dụng đất vẫn có thể bị coi là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Bởi, theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình thì quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Và trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Mà về mặt pháp lý thì bà A và chồng của bà A vẫn được xác định là vợ chồng. Quyền sử dụng mảnh đất trên được xác định là tài sản chung của vợ chồng có được sau khi kết hôn.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, để bà A có thể chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất trên mà không cần sự đồng ý của chồng của bà A thì bà A phải chứng minh được quyền sử dụng phần đất trên là tài sản riêng của bà A có trong thời kỳ hôn nhân. Nói cách khác, phải có tài liệu chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất riêng của bà A, chồng của bà A không có quyền.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191