Chồng cũ bế con đi mất thì trình báo tới đâu?

Câu hỏi của khách hàng: Chồng cũ bế con đi mất thì trình báo tới đâu?

Mọi người giúp em với ạ. Em với Chồng em có 1 cháu trai, sau khi ly hôn em được quyền nuôi cháu, bố cháu có tới chơi và bế cháu đi mất mấy hôm nay không cho em gặp cháu gọi điện không nghe máy, em có báo công an họ có bảo phải xuống nơi thi hành án trình báo, hiện tại em không biết phải làm cách nào để bế được cháu về, mọi người giúp em với ạ


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 03/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chủ thể giải quyết khi chồng cũ có hành vi ngăn cản quyền trực tiếp nuôi con của vợ

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

3./ Luật sư trả lời Chồng cũ bế con đi mất thì trình báo tới đâu?

Theo quy định của pháp luật, trong quá trình giải quyết ly hôn của Tòa án, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (hai bên nam, nữ ly hôn) hoặc ra bản án quy định người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung của hai bên đương sự sau khi ly hôn. Việc này sẽ là căn cứ để hạn chế quyền trực tiếp nuôi con của một bên sau khi ly hôn.

Trong trường hợp của bạn, bạn là người được quyền trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của hai bạn sau khi hai người ly hôn theo quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Căn cứ Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1.Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2.Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo đó, bạn có quyền yêu cầu chồng cũ của bạn tôn trọng quyền được nuôi con của mình, tức là yêu cầu người này trả lại con cho bạn trực tiếp nuôi. Trong trường hợp người  này không trả con lại cho bạn, bạn có quyền yêu cầu cơ quan công an giải quyết theo quy định hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết nếu còn thời hạn thi hành án theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Bạn có quyền tố cáo hành vi trên của chồng và yêu cầu phía cơ quan công an giải quyết theo quy định của pháp luật. Để có yếu tố đảm bảo việc thực hiện của cơ quan công an đúng theo quy định của pháp luật, bạn có thể làm đơn yêu cầu bằng văn bản và yêu cầu cơ quan công an trả lời bằng văn bản (thông thường là công an xã nơi chồng bạn cư trú, làm việc). Bạn cần gửi kèm theo bản sao y bản án/quyết định của Tòa án về việc bạn là người được trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Ngoài ra, nếu còn thời hạn thi hành án, bạn cũng có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Việc gửi đơn này cần kèm theo là Bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc bạn là chủ thể được quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan công an (thường là công an xã) giải quyết theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo tính đúng đắn của những câu trả lời của phía cơ quan công an, bạn có thể yêu cầu cơ quan công an trả lời bằng văn bản với yêu cầu của bạn. Ngoài ra, trong trường hợp vẫn còn thời hạn thi hành án, bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền tiến hành việc yêu cầu chồng cũ của bạn giao trả lại con cho bạn.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191