Câu hỏi của khách hàng: Chung tiền mua đất thì nên đứng tên thế nào?
Chào mọi người
Mọi người làm ơn cho tôi hỏi:
Vợ chồng tôi cùng vợ chồng của chị chồng có chung nhau mua 1 mảnh đất diện tích 286m2 ở quê tỷ lệ 50/50. Vì vợ chồng tôi không có ở quê nên anh rể đã nhận tiền và làm hợp đồng với người bán có qua xã công chứng. Hiện nay đang trong quá trình chờ huyện về đo đạc và cấp sổ đỏ.
Anh rể tôi nói rằng giờ đất sẽ đứng tên anh rể tôi, sau này 1 thời gian sẽ sang tên 1 nửa cho vợ chồng tôi theo hình thức cho nhận thì thủ tục dễ dàng hơn mà có lợi hơn là làm 2 sổ đỏ. Tôi thì muốn tách riêng sổ cho mỗi người riêng.
Vậy nhờ mọi người tư vấn dùm tôi nên chọn phương án nào tốt hơn ạ:
1.Đứng tên anh rể, sau 1 thời gian sẽ sang tên 1 nửa cho tôi theo hình thức cho nhận.
2.Tách sổ mỗi người 1 sổ riêng biệt
3.Chung sổ bao gồm tên cả 4 người và mỗi bên giữ 1 sổ chung
Xin chân thành cảm ơn
Luật sư Tư vấn Luật đất đai – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 21/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Luật đất đai 2013
3./ Luật sư trả lời Chung tiền mua đất thì nên đứng tên thế nào?
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở để người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, là tiền đề cho người sử dụng đất thực hiện các quyền mà pháp luật quy định. Vì vậy, việc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để thực hiện quyền của mình trong các giao dịch dân sự là rất quan trọng. Việc được chủ thể có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một yếu tố quan trọng giúp bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sử dụng đất.
Căn cứ Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, việc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một căn cứ để chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của chính chủ thể được cấp Giấy chứng nhận.
Do vậy, bạn không nên để một người đứng tên trên Giấy chứng nhận chỉ để đơn giản hóa thủ tục. Bởi, trong trường hợp có mâu thuẫn về sau, việc bạn không đứng tên trên Giấy chứng nhận là một yếu tố rất bất lợi cho bản thân để giành quyền sở hữu quyền sử dụng mảnh đất đó.
Vậy, các bên có thể xem xét để lực chọn việc làm Giấy chứng nhận chung hay riêng cho phần quyền sử dụng đất của từng người. Việc hai bên tách ra làm riêng sổ tuy sẽ mất thời gian hơn nhưng sẽ là biện pháp đảm bảo quyền sử dụng đất một cách tối đa, hạn chế những khó khăn trong việc xác định quyền cũng như là căn cứ để các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, lựa chọn tách sổ này sẽ không thể thực hiện được nếu diện tích đất của hai bên không bằng diện tích tối thiểu để được tách thửa theo quy định của UBND tỉnh đó quy định.
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:
“… 2.Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. …”
Theo quy định trên, về nguyên tắc chung, trường hợp thửa đất có nhiều người sở hữu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận cho từng người sau khi đã xác định quyền sử dụng đất của người đó.
Tuy nhiên, việc cấp Giấy chứng nhận sở hữu chung này có thể sẽ làm hạn chế một số quyền (nhất là quyền định đoạt) của chủ sở hữu. Bởi, trong một số trường hợp, việc định đoạt tài sản chung này cần có sự đồng ý hoặc sự từ chối mua lại của những đồng sở hữu còn lại khi chủ sở hữu muốn phân phần tài sản thuộc sở hữu của bản thân.
Nhưng dù trong trường hợp nào, khi hai bên chứng minh được mảnh đất thuộc sở hữu của hai bên theo tỷ lệ 50/50, thì quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng sẽ được pháp luật bảo vệ, không phụ thuộc vào việc tình trạng Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất đứng tên tất cả mọi người hay chỉ một người.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có thể xem xét cụ thể hơn nhu cầu, tình trạng của các bên để chọn phương án mà bạn cho là phù hợp nhất. Tuy nhiên, thông thường, việc tách thửa để xin cấp Giấy chứng nhận riêng sẽ giúp các bên bảo vệ quyền và lợi ích một cách an toàn nhất.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.