Câu hỏi của khách hàng: Cơ quan thi hành án không giải quyết khiếu nại mà báo cáo sai sự thật có phạm tội không?
có một người phải thi hành án dân sự với số tiền 300 triệu, anh ta không có tiền để trả cho nên bị cưỡng chế kê biên tài sản (lớn hơn nhiều lần số nợ). sau một thời gian dài người này vẫn chưa có tiền để trả. tài sản của anh ta đã bị bán với giá rất thấp do anh ta không nhận được thông báo Thi hành án, anh này khiếu nại, tố cáo, thi hành án không giải quyết mà báo cáo các cơ quan là anh này chây ỳ không chịu trả, trong khi thi hành án vi phạm không thực hiện đúng quy trình. như vậy cơ quan thi hành án có phạm tội vu khống không ạ.
Luật sư Tư vấn Luật thi hành án dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 29/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Luật thi hành án dân sự
- Luật thi hành án 2014
- Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự
- Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật thi hành án
- Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung 2017
3./ Luật sư trả lời Cơ quan thi hành án không giải quyết khiếu nại mà báo cáo sai sự thật có phạm tội không?
Kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo việc thi hành án. Trong thời gian kê biên, đối tượng bị áp dụng bị hạn chế quyền về tài sản.Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với đối tượng là với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản hoặc đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (dân sự)
Theo quy định của pháp luật, thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn mà không tự nguyện thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành án và biện pháp cưỡng chế như: Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án;… Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án.
Trong trường hợp này chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế: kê biên tài sản dù tài sản lớn hơn nhiều so với số nợ phải trả và tùy vào tính chất sự việc và tài sản kê biên chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp ngay mà không phải thông báo trong trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Căn cứ Khoản 8 Điều 2 Thông tư liên tịch 11/2016/ TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC về Thông báo về thi hành án quy định như sau:
“8. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định giá, Chấp hành viên thông báo cho đương sự quyền yêu cầu định giá lại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự.”
Và Điều 99 Luật thi hành án dân sự 2014 về Định giá lại tài sản kê biên:
“b) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.”
Theo đó, chấp hành viên có trách nhiệm phải thông báo cho đương sự biết về kết quả định giá tài sản, thông báo về việc bán đấu giá tài sản để đương sự đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đương sự có quyền nhận lại tài sản trong trường trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày đương sự nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá. Người phải thi hành án có quyền khiếu nại chấp hành viên được giao nhiệm vụ thi hành tới thủ trưởng cơ quan thi hành án đó về hành vi không thông báo cho người phải thi hành biết về kết quả thẩm định giá hoặc thông báo việc bán đấu giá tài sản. Trường hợp thủ trưởng cơ quan thi hành án không giải quyết hoặc không đồng ý với kết luận giải quyết khiếu nại bạn có quyền khiếu nại lần 2 tới thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp trên.
Yếu tố cấu thành tội vu khống:
Căn cứ Điều 156 Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội vu khống:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền
…”
Theo đó, yếu tố cấu thành tội vu khống thì người phạm tội từ đủ 16 tuổi trở lên có hành vi bịa đặt hoặc lan truyền sai sự thật, với lỗi cố ý dẫn tới xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Trong trường hợp này, định giá tài sản là do hội đồng thẩm định và việc bán đấu giá tài sản là do tổ chức bán đấu giá, việc chấp hành viên không thực hiện đúng thủ tục: thông báo thi hành án không ảnh hưởng tới giá bán tài sản đã được kê biên. Do đó, không đủ yếu tố khởi tố chấp hành viên về tội vu khống.
Việc chấp hành viên không thông báo thi hành án tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”
Như vậy, trong trường hợp này chấp hành viên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.