Câu hỏi của khách hàng: Đất ông bà để lại đã được cấp sổ từ năm 1996 thì những người con khác có quyền đòi chia không?
Em chào các cô chú anh chị luật sư em có câu hỏi muốn nhờ mọi người giúp ạ:
Nhà em có thổ đất do ông bà nội để lại khi ông bà chết không để lại di chúc ngày 20/05/1996 UBND huyện đã cấp sổ đỏ cho bố em 2 bác trai không ý kiến gì. Đến nay hai bác đó nói là đất của ông bà để lại và họp tất cả mọi người lại ép bố em chia đất cho chú con bà dì ghẻ của bố em và cô đi lấy chồng được 18 năm đến giờ quay về đòi chia đất. và bố em bị 2 bác và chú 2 cô ép phải chia đất như vậy:
+ hai bác ruột của bố em làm thế có đúng pháp luật không?
+ Cô kia có quyền đòi chia tài sản khi đất đã đứng tên bố em từ năm 1996 hay không?
+ Như vậy có được coi là tội chiếm đoạt tài sản có tổ chức hoặc chiếm đoạt tài sản không?
+ Chúng cháu có quyền tham gia vào việc này không khi chúng cháu là con ruột hợp pháp của bố
+ Chú kia con cùng cha khác mẹ với bố cháu không có đăng ký kết hôn có được hưởng tài sản không?
Lời cuối cùng cho em xin mọi người giúp cháu (em) Xin chân thành cám ơn mọi người.
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 28/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chia quyền sử dụng đất của ông bà để lại
- Pháp lệnh thừa kế năm 1990
- Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)
3./ Luật sư trả lời Đất ông bà để lại đã được cấp sổ từ năm 1996 thì những người con khác có quyền đòi chia không?
Theo quy định của pháp luật về đất đai thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được hiểu là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, khi bố của bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận), bố của bạn được Nhà nước công nhận là quyền sở hữu hợp pháp của quyền sử dụng mảnh đất trên.
Tuy nhiên, bạn cần xác định việc cấp Giấy chứng nhận trên là đúng hay sai, có phù hợp với quy định của pháp luật không. Bởi, thông thường, trong trường hợp quyền sử dụng đất được để thừa kế thì cả hai bác trai của bạn cùng người con riêng của ông của bạn đều có quyền thừa kế quyền sử dụng đất này như bố của bạn.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một mình bố bạn chỉ coi là hợp pháp khi những người có quyền thừa kế thể hiện bằng văn bản về việc đồng ý cho bố của bạn thừa kế toàn bộ mảnh đất trên.
Trong trường hợp có sự đồng ý của những đối tượng trên, bố của bạn được xác định là chủ sở hữu hợp pháp của quyền sử dụng đất và những người đó không có quyền yêu cầu bố của bạn chia quyền sử dụng phần đất trên tại thời điểm này.
Ngược lại, khi không có sự đồng ý của những người có quyền thừa kế theo quy định của pháp luật về việc bố của bạn sẽ là người được nhận thừa kế toàn bộ quyền sử dụng đất trên. Việc cấp Giấy chứng nhận trên là không phù hợp với quy định của pháp luật và do vậy, những người bác, chú của bạn có quyền yêu cầu chia lại quyền sử dụng mảnh đất trên.
Theo thông tin bạn cung cấp thì ông, bà nội của bạn mất không để lại di chúc, nên, theo quy định của pháp luật dân sự, di sản mà ông bà bạn để lại (bao gồm cả quyền sử dụng mảnh đất) sẽ được thừa kế theo pháp luật. Do thời điểm ông, bà bạn mất là ngày 20/05/1996, nên, các căn cứ để chia thừa kế được xác định theo quy định hiện hành tại thời điểm đó, tức là Pháp lệnh thừa kế năm 1990.
Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh thừa kế năm 1990:
“Điều 25: Những người thừa kế theo pháp luật
1-Những người thừa kế theo pháp luật gồm có:
a)Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. …”
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn đưa ra, người chú của bạn lại là con riêng của ông nội của bạn, nên, người chú này chỉ được xác định là người thừa kế theo pháp luật của số di sản mà ông của bạn để lại. Mẹ của người này cũng thế.
Còn số di sản mà bà của bạn để lại không được chia thừa kế cho những người này.
Mà quyền sử dụng mảnh đất trên lại được xác định là tài sản mà ông, bà của bạn để lại, nên, thông thường, ông của bạn và bà của bạn được xác định là đồng sở hữu tài sản, mỗi người một nửa.
Căn cứ Khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Nói cách khác, quyền sử dụng phần đất trên sẽ được chia thừa kế như sau:
Phần đất được ông nội của bạn để lại (quyền sử dụng một nửa phần đất trên): được chia đều cho bố của bạn, hai người bác của bạn, và chú của bạn (tức là con của ông nội bạn và dì ghẻ- ngay cả khi người này được sinh ra không trong thời kỳ hôn nhân của dì ghẻ của bố bạn và ông nội của bạn).
Phần đất của bà nội bạn để lại (quyền sử dụng một nửa còn lại của phần đất trên): được chia đều cho bố của bạn và hai bác của bạn (tức là 3 phần cho 3 người).
Tức là người bác của bạn cũng như người con của dì ghẻ của bố của bạn đều có quyền yêu cầu bố bạn thực hiện việc chia quyền sử dụng phần đất trên. Tuy nhiên, việc này không phải căn cứ để những người này bắt buộc bố của bạn phải chia đất như thế nào. Việc chia này là trên cơ sở tự nguyện hoặc theo quyết định/ bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Về việc ép buộc bố của bạn thực hiện việc chia quyền sử dụng mảnh đất trên (hiện tại được coi là tài sản thuộc sở hữu của bố của bạn), căn cứ Điều 175 Bộ luật hình sự:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng … thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a)Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b)Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. …”
Theo đó, một trong những dấu hiệu cấu thành của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản này là việc người có hành vi chiếm đoạt có được tài sản qua một giao dịch dân sự sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 170 Bộ luật hình sự:
“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1.Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. …”
Theo đó, khi những người bác của bạn có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của bố của bạn để ép bố của bạn chuyển nhượng phần quyền sử dụng một phần mảnh đất trên, người có hành vi có thể sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp việc ép buộc mà bạn đưa ra chỉ là việc người này có hành vi yêu cầu bố của bạn phải chia lại quyền sử dụng phần đất trên thì việc này là quyền của những người đó, việc người này đưa ra yêu cầu không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, thông thường, những người bác, người chú của bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bố của bạn chia quyền sử dụng mảnh đất mà ông, bà bạn để lại. Trong trường hợp bố của bạn không đồng ý, những người này có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, việc ép buộc bố bạn phải thực hiện việc này bằng những phương thức như đe dọa,… thì lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.