Điện lực tự ý đào hố trôn trụ điện trên đất có đúng không?

Câu hỏi của khách hàng: Điện lực tự ý đào hố trôn trụ điện trên đất có đúng không?

Mong các anh chị tư vấn giúp em trong trường hợp này ạ. Cách đây 5 ngày bên điện lực có xuống đào 5 hố trôn trụ điện trên đất nhà em và làm chết một số cây trồng lâu năm. Em có yêu cầu các văn bản có liên quan về việc xây dựng đường dây điện này nhưng bên điện lực không cung cấp. Em đã không cho bên điện lực thi công tiếp việc đào hố trụ điện thì bên ủy ban nhân dân xã xuống yêu cầu cho thi công tiếp vì lý do trụ điện được trôn trên đất lưu không. Và xã có nói đường thôn quy định là 8m tuy nhiên hiện tại là 4m nên xã nói nhà em đang lấn đất công cộng. Tuy nhiên, em không đồng tình với cách chỉ đo đường thôn mà quy cho nhà em lấn đất nên em yêu cầu phải đo đạc lại đất. Nhưng trong sổ đỏ thì chỉ ghi tổng diện tích được sử dụng. Vậy em xin phép hỏi bên điện lực và xã có làm đúng luật không ạ. Và làm sao em xác định được xã đo đạc đúng không ạ. Xin các anh chị giúp đỡ em với ạ. Em xin trân thành cảm ơn ạ.


Luật sư Tư vấn Luật điện lực – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 10/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chưa thỏa thuận có được chôn trụ điện tại đất của cá nhân không

  • Luật Đất đai 2013;
  • Nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật điện lực về an toàn điện
  • Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
  • Nghị định 102/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

3./ Luật sư trả lời Điện lực tự ý đào hố trôn trụ điện trên đất có đúng không?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Các chủ thể khác không có quyền xâm phạm tới quyền sử dụng, chiếm hữu, định đoạt của chủ sở hữu trừ một số trường hợp đặc biệt nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ngay cả khi bên điện lực có hành vi vi phạm, bạn cũng không được có hành vi ngăn cản (không cho phép) bên điện lực thực hiện việc xây dựng. Bởi, theo quy định của pháp luật bạn chỉ có quyền yêu cầu cơ quan điện lực không thực hiện việc lắp đặt khi có vi phạm, còn việc có dừng việc lắp đặt hay không thì là do phía cơ quan điện lực quyết định. Trong trường hợp, việc lắp đặt này làm sai thủ tục mà pháp luật quy định và gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, bạn cần thực hiện việc khiếu nại hành vi vi phạm của bên điện lực và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp của bạn, bạn cần xác định phạm vi ranh giới đất (tức quyền sử dụng đất của bạn đối với phần đất mà bên điện lực tiến hành đặt trụ điện). Trong trường hợp phần đất trên thuộc quyền sử dụng của bạn (hoặc hành lang bảo vệ an toàn điện) thì việc tự ý lắp đặt của bên điện lực là hành vi vi phạm quy định về việc xây dựng các công trình điện lực. Bởi, thông thường, trước khi tiến hành lắp đặt, bên điện lực sẽ phải thực hiện việc thông báo tại chủ thể có thẩm quyền (thông thường là ở UBND cấp xã) để tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất và hỗ trợ khác cho người đang sử dụng đất khi xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại Luật điện lực, Nghị định 14/2014/NĐ-CP và các văn bản liên quan khác.

Về việc đo đạc đất của bên địa chính xã. Nếu bạn nhận thấy việc đo đạc có vi phạm (có căn cứ về việc diện tích đo đạc được ghi nhận sau khi đo đạc không đúng với thực tế sử dụng đất của gia đình bạn được ghi nhận trong Giấy chứng nhận) thì bạn có thể thực hiện việc khiếu nại kết quả đo đạc trên (hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính) theo quy định của pháp luật về khiếu nại.Việc xác định kết quả đo đạc của bên địa chính là sai có thể dựa vào kết quả mà tổ chức đo đạc khác (không phải bên đo đạc) đo đạc được tại thời điểm này.

Việc sử dụng đất của bạn là lấn chiếm chỉ được xác định nếu sau khi đo đạc xuất hiện sự chênh lệch diện tích theo hướng diện tích sử dụng thực tế của gia đình bạn lớn hơn diện tích được ghi nhận trên Giấy chứng nhận và việc này là do có sự tự ý dịch chuyển mốc giới hoặc ranh giới thửa đất của bạn để mở rộng diện tích đất không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi, căn cứ Khoản 1 Điều 3 Nghị định 102/2014 thì: “Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.

Ngoài ra, trong trường hợp bên điện lực có vi phạm khi thực hiện việc lắp đặt trụ điện, chủ thể vi phạm sẽ phải gánh chịu trách nhiệm về việc vi phạm trên. Như theo quy định tại  Khoản 2 Điều 6 Nghị định 134/2013/NĐ – CP:

Điều 6. Vi phạm các quy định về xây dựng, lắp đặt công trình điện

2.Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a)Lắp đặt, sửa chữa, di dời công trình điện mà không thỏa thuận với chủ tài sản công trình điện hoặc đơn vị quản lý, vận hành công trình điện;

b)Tự ý lắp đặt hệ thống đường dây, trạm điện, các thiết bị điện ngoài phạm vi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. …”

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần xác định quyền sử dụng của bạn đối với phần đất trên là hợp pháp hay không để nhận định việc UBND đưa ra việc phần đất trên là do bạn lấn chiếm có đúng không. Trong trường hợp việc xây lắp của bên điện lực, việc đo đạc của bên địa chính hay việc trả lời của UBND là không phù hợp với quy định của pháp luật bạn có thể thực hiện việc khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191