Câu hỏi của khách hàng: Đồng ý cho bán nhà nhưng không thể về ký giấy tờ được thì phải xử lý thế nào?
Em muốn xin mọi người ý kiến giải quyết vụ việc này:
Gia đình em mua 1 căn nhà. Muốn chuyển quyền sử dụng đất thì phải có chữ ký của cả hộ gia đình, cụ thể là 2 người con nhà bên đó thống nhất cho bố mẹ toàn quyền sở hữu sử dụng và định đoạt đối với quyền sử dụng đất, ký trước mặt công chứng viên. Mà 1 trong 2 người con không thể về để ký vào biên bản được. Em muốn hỏi giờ có cách giải quyết nào khác không?
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 22/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Ủy quyền trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Bộ luật dân sự 2015
3./ Luật sư trả lời Đồng ý cho bán nhà nhưng không thể về ký giấy tờ được thì phải xử lý thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn muốn mua một căn nhà, nhưng muốn chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thì cần phải có chữ ký của cả hộ gia đình bên bán. Tuy nhiên, một người trong hộ gia đình bán nhà mặc dù đồng ý nhưng lại không thể về ký được, bạn thắc mắc không biết phải giải quyết thế nào.
Căn cứ Điều 138 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 138.Đại diện theo ủy quyền
1.Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2.Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3.Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”
Theo đó, cá nhân có thể ủy quyền cho các nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc các thành viên trong hộ gia đình có thể thỏa thuận cử cá nhân đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình.
Trong trường hợp của bạn, do tài sản chuyển nhượng là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nên người đại diện theo ủy quyền phải là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Theo đó, bên bán cần có một giấy ủy quyền do người con không thể về ủy quyền cho một người khác (có thể là người trong gia đình hoặc không) đại diện người này thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy ủy quyền này không phải một hợp đồng nên không cần có sự đồng ý của người nhận ủy quyền (người thay mặt người con vắng mặt tham gia xác lập giao dịch).
Tuy nhiên, để văn phòng công chứng chấp nhận, người này cần thực hiện việc chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc thực hiện việc công chứng Giấy ủy quyền tại các Văn phòng/Phòng công chứng có thẩm quyền.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, thông qua Giấy ủy quyền, người con còn lại trong gia đình bán quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có thể ủy quyền cho một người trong gia đình hoặc người khác thay mặt người này tham gia xác lập, ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không cần người này phải có mặt ký kết hợp đồng chuyển nhượng.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.