Dùng mỹ phẩm không hợp thì làm sao để được trả lại?

Câu hỏi của khách hàng: Dùng mỹ phẩm không hợp thì làm sao để được trả lại?

Em đã ký hợp đồng mua góp mỹ phẩm bên D trị giá 34 triệu 400 (giá khuyến mãi) trên hợp đồng có chính sách không đổi trả vì mua giá khuyến mãi ngân hàng giao dịch là vpbank ,nhưng vì mỹ phẩm xài không hợp với em đến spa xin trả mỹ phẩm và xin hủy hợp đồng nhưng không được ( vì công ty này mang tính chất lừa đảo đã có rất nhiều chị em vướng phải) mong anh chị luật sư chỉ em hướng đi tốt nhất


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 11/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trả lại hàng khi trong hợp đồng thỏa thuận không được trả

Bộ luật dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Dùng mỹ phẩm không hợp thì làm sao để được trả lại?

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có ký một hợp đồng mua bán mỹ phẩm với chủ thể D, trong đó bạn là bên mua và D là bên bán. Trong hợp đồng mua bán hai bên đã thỏa thuận về việc không được trả lại hàng với lý do đây là hàng được áp giá khuyến mại. Do đó, thông thường, bạn không có quyền trả lại mỹ phẩm và yêu cầu bên bán trả lại tiền.

Theo quy định của pháp luật thì mỹ phẩm là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, tức là một chủ thể chỉ có quyền buôn bán mỹ phẩm khi đáp ứng những điều kiện nhất định mà pháp luật yêu cầu. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, tôi coi việc bán mỹ phẩm của bên D là phù hợp với các điều kiện mà pháp luật quy định.

Hơn nữa theo thông tin bạn cung cấp thì bên D được xác định là một thương nhân, do vậy, ngoài pháp luật dân sự, pháp luật về thương mại cũng sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa bạn và bên D.

Theo quy định của Bộ luật dân sự thì trong một giao dịch dân sự nói chung hay hợp đồng dân sự (trong đó có hợp đồng mua bán) nói riêng, các bên có quyền tự thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ của các bên và các bên có nghĩa vụ phải tuân thủ những thỏa thuận trước đó nếu chúng không trái với các quy định của pháp luật, đạo đức xã hội. Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự:

Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. …

Do vậy, khi bên bán và bạn đã thỏa thuận về việc không chấp nhận việc đổi trả, bạn sẽ không có quyền yêu cầu bên bán đổi mỹ phẩm hoặc trả lại mỹ phẩm và yêu cầu bên bán trả lại tiền cho bạn.

Tuy nhiên, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Nên, nếu bạn có căn cứ cho rằng bên bán cố tình giao hàng không đúng chất lượng, chủng  loại,… như các bên đã thỏa thuận với nhau thì bạn vẫn có quyền yêu cầu bên bán đổi hoặc trả lại tiền mua. Hay khi có căn cứ cho rằng bên bán có yếu tố lừa dối trong quá trình giao kết hợp đồng thì bạn có thể trả lại hàng và yêu cầu bên mua trả lại tiền, bồi thường thiệt hại (nếu có). Bởi theo quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự thì việc bạn tham gia giao kết giao dịch dân sự do bị lừa dối sẽ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu. Mà khi giao dịch dân sự hay hợp đồng mua bán giữa bạn và bên kia bị tuyên bố vô hiệu thì “các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” (Khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự).

Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được về việc giải quyết tranh chấp, bạn có thể thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án hoặc khiếu nại tới các chủ thể có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần xem xét kỹ nội dung hợp đồng mà hai bên đã ký kết để xác định quyền và lợi ích cũng như nghĩa vụ của bạn trong mối quan hệ mua-bán trên. Khi nhận thấy bên kia có sự vi phạm nghĩa vụ, bạn có quyền yêu cầu bên bán thực hiện đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận của hai bên. Thỏa thuận cách giải quyết với bên bán hoặc yêu cầu các chủ thể có thẩm quyền đứng ra giải quyết theo quy định của pháp luật.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191