Lừa chưa vợ chiếm đoạt tài sản thì xử lý theo hình sự thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Lừa chưa vợ chiếm đoạt tài sản thì xử lý theo hình sự thế nào

Các cô .Các bác. Các anh các chị trong hội có thể tư vấn giúp em với ạ.
Trường hợp của em là
Em bị 1 người đàn ông có vợ con rồi lừa là chưa có vợ.
Anh ta nói với em đợi anh ta 3 năm học xong sẽ cưới em và trong thời gian ở với em anh ta đã lừa của em 1 cái xe máy trị giá 30 triệu . 1 cái điện thoại iphone trị giá 7 triệu . Và tiền mặt tổng trị giá tất cả là gần 100 triệu đồng .
Anh chị trong hội cho em hỏi tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 5_ 100 triệu đồng thì theo quy định của bộ luật hình sự sẽ như thế nào ạ.
Mong anh chị tư vấn giúp em ạ.
Em xin trân thành cảm ơn anh chị nhiều
Lừa có tổ chức ạ vì anh ta đã từng về nhà em để lấy tiền ạ


Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 07/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng

Bộ luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017)

3./ Luật sư trả lời Lừa chưa vợ chiếm đoạt tài sản thì xử lý theo hình sự thế nào

Theo quy định của pháp luật hình sự, một người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối (tức đưa ra thông tin giả nhưng làm cho người khác tin đó là sự thật và giao tài sản cho người phạm tội) để chiếm đoạt tài sản của người khác (tức là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình). Tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi này, người có hành vi sẽ phải gánh chịu những hậu quả nhất định theo quy định sau:

Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1.Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a)Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b)Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c)Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d)Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a)Có tổ chức;

b)Có tính chất chuyên nghiệp;

c)Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d)Tái phạm nguy hiểm;

đ)Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e)Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g)Bị bãi bỏ; …”

Theo đó, trong trường hợp thông thường, người có hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng của người khác bằng những thủ đoạn gian dối sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự. Trường hợp tài sản chiếm đoạt có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại Khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự.

Như vậy, thông thường, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm qua kết quả điều tra, nhận định của Viện Kiểm sát và quyết định của Tòa án có thẩm quyền.

Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội phạm tội có tổ chức thì với giá trị tài sản chiếm đoạt từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, người này sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự.

Mặc dù vậy, bạn cần chú ý đến nhận định phạm tội có tổ chức của bạn với hành vi vi phạm của người này. Bởi, việc người có hành vi vi phạm từng về nhà bạn để lấy tiền (tài sản mà người này chiếm đoạt) không phải là căn cứ chứng minh việc người này phạm tội là có tổ chức.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự thì phạm tội có tổ chức được hiểu là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Mà theo thông tin bạn cung cấp thì chưa có dấu hiệu của việc người này phạm tội có “sự cấu kết chặt chẽ” với những người khác (những người cùng thực hiện tội phạm).

Tuy nhiên, việc người này phạm tội  nhiều lần (từ 2 lần trở lên) được coi là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự (tình tiết phạm tội nhiều lần trong trường hợp này không phải là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt).

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo quy định tại Khoản 5 Điều 174 Bộ luật hình sự.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, hình phạt mà người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng với tình tiết phạm tội có tổ chức là phạt tù từ 02 năm đến 7 năm. Tuy nhiên, bạn cần chú ý, việc phạm tội có tổ chức ở đây cần có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191