Câu hỏi của khách hàng: Nhà khác xây cổng không cho đi trên đường có trong bản đồ thì phải làm sao
Gia đình tôi có mua một thửa đất năm 2005. Có con đường đi. Trong bản đồ địa chính xã năm 2003 cũng có con đường đó. Sổ đỏ hộ liền kề cũng xác nhận là có con đường. Nhưng lại có hộ khác xây cổng không cho gia đình tôi đi. Kính mong ad tư vấn giúp.
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 04/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Bộ luật dân sự
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
- Luật đất đai năm 2013
3./ Luật sư trả lời Nhà khác xây cổng không cho đi trên đường có trong bản đồ thì phải làm sao
Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận
Căn cứ Điều 176 Bộ luật dân sự năm 2015 về mốc giới ngăn cách các bất động sản như sau:
“1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
…”
Theo đó, chủ sở hữu quyền sử dụng đất chỉ được xây dựng mốc ranh giới, hàng rào, tường,… trên diện tích thuộc quyền sử dụng của mình. Trường hợp xây dựng hàng rào, mốc ranh giới thuộc quyền sử chung thì phải được sự đồng ý của các đồng sử dụng.
Trong trường hợp này, con đường đó là lối đi chung được thể trên bản đồ địa chính xã và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ liền kề cũng thể hiện điều đó. Do đó, việc tự ý xây cổng không có sự đồng ý của các hộ dùng chung lối đi, làm cản trở việc đi lại của gia đình bạn thì gia đình đó đã có hành vi lấn, chiếm lối đi chung.
Căn cứ Khoản 2, Điều 10, Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.”
Bạn có thể lựa chọn giải quyết theo hướng thỏa thuận cùng dùng chung cổng đó. Trường hợp bạn không muốn hoặc bên kia không đồng ý thì bạn trình báo với UBND xã, phường để được giải quyết. UBND phường sẽ cho các bên thỏa thuận, trường hợp các bên vẫn không thỏa thuận được thì yêu cầu gia đình kia phải phá dỡ cổng, phục hồi lại tình trạng ban đầu.
Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn nên trình báo với UBND để được giải quyết.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.