Câu hỏi của khách hàng: Thế nào là cân bằng lợi ích trong giao kết hợp đồng?
– Mong các anh/chị bỏ chút thời gian quý báu của mình để giúp em 2 câu hỏi này với ạ! Em xin cảm ơn!
1. Sự tranh giành, cân bằng lợi ích trong giao kết hợp đồng được hiểu như thế nào?
2. Khi vận dụng nội dung: Các bên tham gia hợp đồng được quyền tự do thỏa thuận trừ trường hợp trái với pháp luật và đạo đức xã hội, các bên tham gia hợp đồng cần lưu ý những vấn đề gì?
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 26/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Cân bằng lợi ích trong giao kết hợp đồng
Bộ luật dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Thế nào là cân bằng lợi ích trong giao kết hợp đồng?
Giao dịch dân sự được hiểu là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong đó hợp đồng dân sự được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong một hợp đồng luôn có hai bên, hai bên này có quyền tự do thỏa thuận các vấn đề về hợp đồng nhưng phải đảm bảo trong một phạm vi nhất định.
Về “sự tranh giành, cân bằng lợi ích trong giao kết hợp đồng”. Theo chính định nghĩa về hợp đồng trong lĩnh vực dân sự, bạn có thể nhận thấy, hợp đồng phải có sự tham gia của hai bên (có thể là hai người, hai nhóm người, hai tổ chức, một người một tổ chức,…). Căn cứ Điều 118 Bộ luật dân sự thì mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó.Tức là, mỗi bên, khi tham gia giao kết hợp đồng sẽ hướng tới một mục đích nhất định, mà chủ yếu là giành càng nhiều lợi ích cho bên mình càng tốt.
Mà hai bên tham gia luôn hướng tới hai chủ thể khác nhau có lợi ích đối lập. Như trong một hợp đồng mua bán tài sản. Bên mua luôn muốn mua được tài sản tốt với giá càng rẻ càng tốt, nhưng bên bán lại muốn bán tài sản với giá càng cao càng tốt. Trong quá trình xác lập hợp đồng (tức thời điểm cá bên thỏa thuận về nội dung hợp đồng), các bên có sự trao đổi về lợi ích của bên kia nhưng luôn hướng tới lợi ích của chính cá nhân, bên mình đạt được từ việc giao kết hợp đồng là càng nhiều càng tốt.
Nói cách khác, do lợi ích của hai bên là đối nghịch nhưng đồng thời cũng là sự phụ thuộc vào nhau nên, trong giao kết hợp đồng, các bên luôn có sự tranh giành lợi ích. Khi đạt đến một mức độ các bên cho là cân bằng (tức cả hai bên đều chấp nhận được), việc ký kết mới được thực hiện và được coi là được xác lập.
Về vấn đền “các bên tham gia hợp đồng được quyền tự do thỏa thuận trừ trường hợp trái với pháp luật và đạo đức xã hội”.
Trước tiên bạn có thể hiểu điều cấm của luật được hiểu là những những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Còn đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Theo đó, để tránh hợp đồng đã được ký kết không phát sinh hiệu lực do hợp đồng vô hiệu (theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự), các bên tham gia ký kết hợp đồng cần lưu ý:
-Bạn phải đảm bảo mục đích giao kết hợp đồng không phải là nhằm che dấu một hợp đồng khác cũng như phù hợp với ý chí đích thực của các bên xác lập,… không nhằm trốn tránh các nghĩa vụ của một trong hai hoặc cả hai bên hoặc của bên thứ ba. Tức bạn phải đảm bảo, việc xác lập này không ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của một bên thứ ba nào đó. Hợp đồng được xác lập không do một haowcj cả hai bên xác lập nhầm lẫn.
-Đối tượng của hợp đồng phải phù hợp với quy định tương ứng với loại hợp đồng mà các bên xác lập. Ví dụ, đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản phải là tài sản thuộc sở hữu hoặc thuộc quyền bán của bên bán, không phải là tài sản bị cấm hoặc hạn chế chuyển nhượng.
Như khi, bên bán bán tài sản có được do trộm cắp được, hợp đồng mua bán này sẽ không có hiệu lực, cũng như khi bên mua mua một tài sản bị hạn chế kinh doanh nhưng không đủ điều kiện để được phép mua tài sản đó (như thuốc y tế, thuốc lá, pháo hoa,…) hợp đồng này cũng sẽ bị vô hiệu.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc tranh giành, cân bằng lợi ích của các bên trong giao kết hợp đồng được hiểu là việc thỏa thuận của các bên về nội dung của hợp đồng, mục đích đạt được của họ khi xác lập hợp đồng. Những vấn đề cần chú ý khi xác lập hợp đồng để không vi phạm pháp luật hay đạo đức xã hội phụ thuộc vào chính hợp đồng được xác lập, nơi, địa điểm, thời gian xác lập hợp đồng,… để nhận định qua các văn bản pháp luật, hiện thực đời sống.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.