Câu hỏi của khách hàng: Xin giảm thuế cần những giấy tờ gì?
Chào mọi người và luật sư ạ
Nhà em có mở một tiệm bán cơm , cách đây 2 tháng nhà em đóng thuế chỉ có 1 triệu mấy nhưng tháng trước họ lại tự tăng thuế lên 3 triệu mấy . Nếu vậy có đúng luật không ? và nếu xin giảm thuế cần những giấy tờ gì vậy ạ? Cám ơn mọi người và luật sư đã tư vấn cho em ạ!
Luật sư Tư vấn Thuế – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 14/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh cá thể
- Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 Về đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2015 Hướng dẫn thực hiện thế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổ, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế;
- Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài;
- Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2013 Hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổ, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân;
3./ Luật sư trả lời Xin giảm thuế cần những giấy tờ gì?
Thuế là nghĩa vụ tài chính mà công dân, tổ chức kinh tế có nghĩa vụ nộp vào ngân sách nhà nước. Người nộp thuế bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân và hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định: “1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ kinh doanh làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn mở tiệm cơm, nhưng không nêu rõ số lượng lao động sử dụng là bao nhiêu. Theo đó, cúng tôi giả định là loại hình hộ kinh doanh (sử dụng dưới 10 lao động). Theo quy định của pháp luật hiện hành, các nghĩa vụ tài chính mà hộ kinh doanh phải thực hiện bao gồm: lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
- Về lệ phí môn bài:
Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nộp lệ phí môn bài.
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư số 302/2016/TT-BTC quy định mức thu lệ phí môn bài như sau:
“2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 000.000 (một triệu) đồng/năm;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 5000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 3000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.
Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh tại khoản này là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh nêu tại khoản này có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài”.
Hộ kinh doanh nộp lệ phí môn bài một năm 1 lần vào đầu năm, chậm nhất là ngày 30 tháng 01hàng năm.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định như sau:
“a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này”.
Theo đó, gia đình bạn kinh doanh tiệm cơm nhỏ sẽ nộp thuế theo phương pháp khoán.
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư só 92/2015/TT-BTC quy định về doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNCN như sau:
– Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
– Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Kinh doanh tiệm cơm là hình thức kinh doanh dịch vụ có gắn với hàng hóa. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC, tỷ lệ thuế GTGT là 3%, thuế TNCN là 1,5%. (tính trên doanh thu).
Về việc cơ quan thuế tăng mức thuế thu của gia đình bạn từ 1 triệu đồng lên 3 triệu đồng. Căn cứ khoản 4 Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định về xác định doanh thu và mức thuế khoán như sau:
“…c) Cá nhân nộp thuế khoán trong năm có thay đổi về hoạt động kinh doanh (ngành nghề, quy mô, địa điểm, …) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung để cơ quan thuế có cơ sở xác định lại doanh thu khoán, mức thuế khoán và các thông tin khác về cá nhân kinh doanh cho thời gian còn lại của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân kinh doanh không thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì cơ quan thuế chỉ xác định lại doanh thu khoán để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế nếu qua số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán. Trường hợp có thay đổi ngành nghề kinh doanh thì thực hiện điều chỉnh bổ sung theo thực tế của ngành nghề kinh doanh thay đổi”.
Như vậy, việc mức thuế gia đình bạn phải nộp tăng lên so với những tháng trước đó, có thể là do doanh thu của gia đình bạn tăng lên, cơ quan thuế đã xác định doanh thu khoán thay đổi so với doanh thu đã khoán (thay đổi từ 50% trở lên).
Do bạn không nêu rõ doanh thu hiện tại của gia đình bạn là bao nhiêu, có tăng lên so với những tháng trước đó hay không, chúng tôi không thể khẳng định việc cơ quan thuế thu thuế của nhà bạn với mức 3 triệu đồng là hợp pháp hay không. Bạn có thể căn cứ vào quy định về doanh thu và tỷ lệ tính thuế GTGT và thuế TNCN nêu trên để xác định mức thuế này đã hợp lý hay chưa.
Về việc xin giảm thuế:
Căn cứ khoản 11 Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định về các trường hợp giảm thuế khoán, bao gồm:
– Cá nhân nộp thuế khoán nghỉ liên tục từ trọn 01 (một) tháng (từ ngày mùng 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó) trở lên;
– Cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo;
– Cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán chuyển đổi hình thức khai thuế.
Theo đó, gia đình bạn không thuộc trường hợp nào được giảm thuế khoán. Mức thuế phải đóng được xác định trên doanh thu và tỷ lệ theo quy định của pháp luật. Cần lưu ý, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định về thu nhập tính thuế TNCN như sau:
“1.Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:
a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.
b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.
c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này”.
Do đó, trường hợp gia đình bạn chưa kê khai đăng ký các khoản giảm trừ thì cần kê khai đầy đủ, trung thực các khoản giảm trừ trên với cơ quan thuế để được giảm thu nhập tính thuế TNCN. Đối với khoản giảm trừ gia cảnh, cần phải đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh theo. Hồ sơ đăng ký người phụ thuộc (nộp lên Chi cục thuế nơi hộ kinh doanh kê khai thuế) bao gồm:
- Tờ khai đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh theo mẫu số 02/ĐK-NPT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC;
- Bản sao CMND, Giấy khai sinh, Căn cước công dân, Hộ chiếu còn hiệu lực;
- Giấy tờ, hồ sơ chứng minh người phụ thuộc.
Kết luận, trường hợp của gia đình bạn không được giảm thuế khoán mà chỉ có thể dựa vào các khoản giảm trừ thu nhập tính thuế TNCN để được giảm phần nào tiền thuế phải nộp.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.