Xin lấy lại tài sản khi không có lỗi trong vụ việc tai nạn giao thông

Câu hỏi của khách hàng: Xin lấy lại tài sản khi không có lỗi trong vụ việc tai nạn giao thông

Tháng trước khi tôi dừng phương tiên giao thông ở lề đường thì trong lúc mở cửa xe, dù đã rất cẩn thận, những vẫn có một xe máy điện cùng 2 em học sinh điều khiển lao vào và dẫn đến va chạm, 1 em bị gãy xương tay còn 1 em chỉ bị xây xước nhẹ, tôi đã tiến hành thăm nom và cũng chi một số tiền viện phí nhỏ, hiện tôi và gia đình các em đã thỏa thuận được tất cả với nhau và cũng đều nhận thức được là tôi không có lỗi trong vụ việc đó, gia đình cũng đã có giấy gửi lên công an cho tôi nhưng xe của tôi thì vẫn bị giữ trên phường và chưa được giả, xin hỏi tôi có thể làm đơn để xin lấy lại xe của mình không?

Luật sư Tư vấn Luật xử lý vi phạm hành chính – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 10/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Tạm giữ phương tiện có liên quan trong vụ tai nạn giao thông

  • Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA ngày 05 tháng 01 năm 2007 Ban hành quy trinh điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ;
  • Dự thảo Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông năm 2016;
  • Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

3./ Luật sư trả lời Xin lấy lại tài sản khi không có lỗi trong vụ việc tai nạn giao thông

Tạm giữ phương tiện khi xảy ra tai nạn giao thông là một trong những thủ tục hành chính  mà Cảnh sát giao thông hoặc các lực lượng Cảnh sát khác cần thực hiện khi đến hiện trường xảy ra tai nạn giao thông.

Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA ngày 05 tháng 01 năm 2007 Ban hành quy trinh điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, hiện chưa có văn bản thay thế. Tuy nhiên, dựa trên tinh thần của quyết định này và Dự thảo Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông năm 2016, thì việc tạm giữ phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông là hoàn toàn đúng quy định.

Căn cứ khoản 1 Điều 10 Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA và Điều 8 Dự thảo Thông tư năm 2016 quy định về tạm giữ phương tiện giao thông có liên quan như sau như sau:

Tạm giữ phương tiện giao thông có liên quan:

a) Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ;

b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện có trách nhiệm bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền;

c) Trường hợp tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì phương tiện giao thông bị tạm giữ được xử lý như sau:

– Đối với vụ tai nạn sau khi khám nghiệm phương tiện xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi thì phương tiện phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện;

– Các trường hợp khác việc tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chú ý: Khi tạm giữ và trả phương tiện phải có quyết định và biên bản theo quy định của pháp luật”.

Khoản 1 Điều 8 Dự thảo Thông tư năm 2016 quy định như sau:

1.Tạm giữ tang vật, phương tiện giao thông có liên quan đến vụ tai nạn giao thông

a)Việc tạm giữ tang vật, phương tiện giao thông và giải quyết tang vật, phương tiện giao thông bị tạm giữ thực hiện theo quy định tại Điều 125 và Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Khi khám nghiệm phương tiện giao thông xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện. Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.

b)Trường hợp vụ tai nạn có dấu hiệu tội phạm thì sau khi tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, lực lượng Cảnh sát giao thông chuyển phương tiện cùng hồ sơ vụ tai nạn cho Cơ quan Cảnh sát điều tra. Thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông phục vụ cho việc điều tra, giải quyết thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

Theo đó, khi vụ tai nạn giao thông xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Quy định trên phù hợp với quy định về tạm giữ phương tiện theo thủ tục hành chính, quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính:

“1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. (…)”

Như vậy, cho dù bạn không có hành vi vi phạm (không có lỗi) trong vụ tai nạn giao thông thì bạn vẫn sẽ bị giữ phương tiện liên quan đến vụ tai nạn để khám nghiệm, điều tra giải quyết. Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị giạm giữ.

Về thời hạn tạm giữ phương tiện khi xảy ra tai nạn giao thông. Dựa trên tinh thần điểm c khoản 1 Điều 10 Quyết định 18/2007/QĐ-BCA (C11), khoản 1 Điều 8 Dự thảo Thông tư năm 2016 và căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thời hạn tạm giữ phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông (đối với trường hợp không có dấu hiệu tội phạm) như sau:

Đối với vụ tai nạn sau khi khám nghiệm phương tiện xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi thì phương tiện phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện;

Các trường hợp khác việc tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Đối với vụ việc thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc báo cáo thủ trưởng trực tiếp bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện bị tạm giữ thực tế. Thời hạn tạm không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trừ trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp.

Như vậy, khi xảy ra tai nạn giao thông, việc tạm giữ phương tiện liên quan đến tai nạn là hòa toàn đúng thủ tục. Xe của bạn chỉ bị tạm giữ để phục vụ khám nghiệm, điều tra giải quyết vụ tai nạn. Trường hợp khám nghiệm xong, cơ quan chức năng xác định bạn không có lỗi thì bạn sẽ được trả lại phương tiện ngay sau khi có kết luận. Việc tạm giữ xe và trả lại xe đều phải có biên bản xác nhận. Nếu đã có kết luận của cơ quan chức năng về việc bạn không có lỗi trong vụ tai nạn hoặc đã hết thời hạn tạm giữ phương tiện theo quy định nêu trên, bạn có thể làm đơn xin nhận lại xe đang bị tạm giữ gửi đến cơ quan đang tạm giữ xe bạn.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191