Chồng cũ tự ý đưa con đi không hỏi ý kiến thì có hạn chế quyền được không

Câu hỏi của khách hàng: Chồng cũ tự ý đưa con đi không hỏi ý kiến thì có hạn chế quyền được không

Luật sư ơi cho em hỏi . Em và chồng đã li hôn .con do em trực tiếp nuôi dưỡng chồng em có chu cấp nhưg tiền chu cấp được quy đổi ra bằng sữa. Chồng em đã có nhiều lần đến nhà thăm con và sỉ nhục em nhiều .
Rồi còn đánh em và dọa là sẽ đánh chết em
Sự việc đánh có người chứng kiến và đoạn ghi âm dọa đánh chết em. Em có ghi âm lại
Ngoài ra , chồng em còn đến đưa con em đi trong khi em khôg đồng ý và còn tự ý cho con ở qua đêm khi con em còn nhỏ và em không đồng ý về việc này
Những lần đưa con đi khi không có sự đồng ý của em .em đã gọi điện nhắc nhở . Nhưng chồng em lại nói không cần phải hỏi em .
Đến nhà em không cho đón con đi thì đánh em
Xin hỏi luật sư em có quyền làm đơn kiện không ạ? Và có đủ điều kiện để hạn chế việc thăm con của chồng em không ạ?


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình  – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 18/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền yêu cầu hạn chế thăm nom con sau khi ly hôn

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

3./ Luật sư trả lời Chồng cũ tự ý đưa con đi không hỏi ý kiến thì có hạn chế quyền được không

Trẻ em là đối tượng được pháp luật Việt Nam ưu tiên bảo vệ, giành những quyền ưu tiên nhất định. Để đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ, pháp luật Việt Nam cũng có những quy định nhằm đảm bảo trẻ được lớn lên trong một môi trường có lợi nhất, có được sự yêu thương từ cả cha và mẹ, quyền của trẻ sẽ không bị phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của chính cha, mẹ mình.

Căn cứ Khoản 2 Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình thì việc “trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của hai bên cha mẹ của trẻ.

Theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 Luật hôn nhân và gia đình thì hai bên cha mẹ có quyền ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, trong việc giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.

Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên cha mẹ ly hôn và người mẹ được Tòa án công nhận thỏa thuận/quyết định là người được trực tiếp nuôi con, người cha sẽ bị hạn chế quyền trực tiếp nuôi con theo căn cứ này và phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho người con.

Căn cứ Khoản 1 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình thì người cha không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng đến quyền thăm nom của người cha đối với người con, không ai có quyền cản trở việc người này thực hiện quyền thăm nom con sau khi ly hôn.

Theo đó, trong trường hợp người chồng của bạn có yêu cầu được thăm nom cháu sau khi hai người ly hôn, bạn không có quyền ngăn cản người này thực hiện việc thăm nom con chung của hai người. Nhưng, chồng của bạn cũng có nghĩa vụ đảm bảo việc bạn là người được trực tiếp nuôi con theo quyết định/bản án của Tòa án trước đó.

Tuy nhiên, việc chồng của bạn tự ý đón con đi, cho con ở lại qua đêm mà không thông báo, lấy ý kiến của bạn lại là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, gây ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bạn đối với con của mình. Căn cứ Điều 53 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định, người có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Bên cạnh đó, trong trường hợp chồng của bạn (là người không trực tiếp nuôi con) có hành vi lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn (là người trực tiếp nuôi con) có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người chồng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Nói cách khác, bạn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con khi bạn có căn cứ chứng  minh chồng của bạn có hành vi lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của bạn. Để được Tòa án giải quyết yêu cầu, bạn cần thu thập các tài liệu, giấy tờ,… làm căn cứ chứng minh việc chồng của bạn có những hành vi đã nêu trên trước Tòa án.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có quyền làm đơn yêu cầu các chủ thể có thẩm quyền xử phạt chồng của bạn do có hành vi cản trở quyền và nghĩa vụ của bạn với con của mình. Làm đơn yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chồng bạn khi có căn cứ chứng minh chồng của bạn có hành vi lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của bạn.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191