Câu hỏi của khách hàng: Dịch vụ ly hôn tại Tây Hồ – Tư vấn Thủ tục ly hôn đơn phương cần những gì, mất bao lâu?
Em muốn ly hôn đơn phương thì thủ tục cần những gì ? Mất bao lâu và phí như thế nào ạ
Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 17/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thủ tục khởi kiện ly hôn
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
3./ Luật sư trả lời Thủ tục ly hôn đơn phương cần những gì, mất bao lâu?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Từ định nghĩa trên ta có thể nhận thấy, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết ly hôn giữa hai bên vợ và chồng. Trong trường hợp chỉ có vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn (tức là hai vợ chồng không thỏa thuận được về một trong các yếu tố: chấm dứt quan hệ hôn nhân, về chia tài sản chung, nghĩa vụ chung và con cái), việc này được coi là ly hôn theo yêu cầu của một bên, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự yêu cầu ly hôn được coi là yêu cầu giải quyết tranh chấp dân sự và được thực hiện theo thủ tục sau:
Bước 1. Đưa ra yêu cầu ly hôn.
-Trong trường hợp ly hôn đơn phương, bên gửi đơn (tức là người đưa ra yêu cầu ly hôn) được xác định là nguyên đơn trong vụ án ly hôn, bên còn lại được coi là bị đơn. Mà theo thông tin bạn cung cấp thì bạn là bên muốn ly hôn đơn phương, vì vậy, bạn được xác định là nguyên đơn và bên còn lại là bị đơn.
-Để đưa ra yêu cầu giải quyết vụ án ly hôn hợp pháp, bạn cần xác định được Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn trong trường hợp của bạn để tiến hành gửi hồ sơ khởi kiện ly hôn. Căn cứ Khoản 1 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35, Điều 39 và Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của bạn thông thường được xác định là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng/vợ của bạn cư trú, làm việc. Theo đó, bạn cần làm hồ sơ khởi kiện và gửi đến Tòa án này để được giải quyết yêu cầu theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
-Thành phần hồ sơ khởi kiện ly hôn gồm:
+Đơn khởi kiện ly hôn;
+Giấy chứng nhận kết hôn (bản chính);
+Bản sao sổ hộ khẩu của hai bên vợ, chồng;
+Bản sao Giấy chứng minh nhân dân của vợ, chồng;
+Bản sao Giấy khai sinh của các con chung (nếu có);
+Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung khi yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung khi ly hôn (nếu có)
+Giấy xác nhận nơi bị đơn đang cư trú của Công an xã.
-Cách thức gửi đơn: nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tiếp bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có) theo quy định tại Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự.
Bước 2. Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện.
Căn cứ Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự thì sau khi nhận được giấy tờ, tài liệu xác nhận việc Tòa án nhận đơn của bạn, trong vòng 08 ngày làm việc, bạn sẽ sẽ nhận được một trong các quyết định/thông báo sau của Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện của bạn:
-Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
-Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
-Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
-Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trong trường hợp này, bạn sẽ nhận được Thông báo yêu cầu nộp tiền tạm ứng án phí (trừ trường hợp bạn là đối tượng được miễn tạm ứng án phí).
Sau khi nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí, trong vòng 7 ngày bạn phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc tiếp theo, Thẩm phán sẽ gửi thông báo bằng văn bản bạn về việc đã thụ lý vụ án theo quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự.
Bước 3. Tiến vào thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử.
-Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử một vụ án ly hôn thông thường sẽ là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Trong giai đoạn xét xử, bạn sẽ được Tòa án tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo quy định.
-Trong trường hợp sau các phiên hòa giải mà bạn không thay đổi ý kiến về việc ly hôn, Thẩm phán sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Bước 4. Tổ chức phiên tòa sơ thẩm
-Căn cứ Khoản 4 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự thì trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án có trách nhiệm mở phiên tòa giải quyết vụ án ly hôn của bạn (trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng). Bạn có quyền và nghĩa vụ tham gia phiên tòa trên.
-Nếu bạn không thay đổi ý định về việc ly hôn, cuối phiên tòa sơ thẩm, Tòa án sẽ ra bản án giải quyết tranh chấp ly hôn của bạn.
Sau khi bản án trên có hiệu lực, bạn có nghĩa vụ tuân thủ nội dung của bản án trên, đồng thời, việc giải quyết vụ án ly hôn của bạn cũng kết thúc. Quan hệ hôn nhân của bạn và chồng/vợ của bạn cũng được chấm dứt tại thời điểm này.
Trên đây là thủ tục ly hôn đơn phương theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện nay đang được Tòa án áp dụng. Dựa vào thông tin trên bạn có thể chuẩn bị hồ sơ và thực hiện việc khởi kiện vụ án ly hôn để được Tòa án giải quyết theo quy định. Thông thường, việc giải quyết một vụ án ly hôn của Tòa án sẽ rơi vào khoảng 60 ngày.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.