Câu hỏi của khách hàng: Không có khả năng thi hành án một lần thì có bị cưỡng chế trả tiền không?
Tôi đã ly hôn chồng. Tòa quyết định tôi nhận hết tài sản và tôi phải trả thối tiền mặt lại cho chồng tôi là 512 triệu. Sau khi Ly hôn xong tôi có qua bên thi hành án yêu cầu hoãn thi hành án vì hiện nay tôi không có khả năng trả 1 lần cho chồng tôi. Vì tài sản tôi nhận là TS (tài sản) nợ và tôi đang nuôi các con nhỏ. Bên thi hành án nhiều lần đòi qua cưỡng chế nhà tôi đang ở cùng các con.và cũng là nơi kinh doanh mưu sinh của mẹ con tôi nhiều lần tôi đến xin cứu xét cho tôi nhưng Ai ai cũng nói xử theo qui định không trả phải cưỡng chế. Trường hợp như tôi có được xem xét hay không ạ vì hàng tháng tôi trả nợ cho ngân hàng và nuôi con nhỏ gặp nhiều khó khăn tôi xin trả dần được không ạ
Luật sư Tư vấn Luật Thi hành án dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 22/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Hoãn thi hành án dân sự
- Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
3./ Luật sư trả lời Không có khả năng thi hành án một lần thì có bị cưỡng chế trả tiền không?
Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân khi ly hôn luôn là vấn đề quan trọng cần được giải quyết. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được, các bên có quyền yêu cầu tòa án đứng ra giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi có kết quả giải quyết của Tòa án, hai bên có trách nhiệm phải tuân thủ.
Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì theo quyết định của Tòa án, bạn có quyền nhận toàn bộ tài sản và có nghĩa vụ trả cho chồng bạn 512 triệu. Tuy nhiên, các tài sản mà bạn nhận được hiện vẫn đang là tài sản được đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ do vay nợ với ngân hàng. Do đó, bạn không có khả năng trả số tiền 512 triệu theo nội dung của bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án ngay trong một thời gian ngắn. Nên bạn có xin trả số tiền trên nhiều lần, nhưng ở đây bạn lại không nêu rõ việc yêu cầu trên của bạn được thực hiện ra sao. Trong trường hợp của bạn, có hai hướng giải quyết như sau:
-Thứ nhất, bạn thỏa thuận lại với chồng của bạn về việc bạn sẽ trả dần số tiền 512 triệu đồng kia. Trường hợp này, bạn cần có sự đồng ý của chồng của bạn về việc chậm trả trên. Khi đó, chồng của bạn được coi là đã đồng ý cho bạn hoàn thi hành án. Việc đồng ý này phải được lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự.
-Thứ hai, khi chồng bạn không đồng ý việc chậm trả. Việc cưỡng chế thi hành án của cơ quan có thẩm quyền với bạn sẽ chỉ được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền xác minh được bạn có đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ trả số tiền trên nhưng cố tình không trả.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, bạn có tài sản nhưng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nên chủ thể có thẩm quyền hoàn toàn có quyền cưỡng chế thi hành án. Bởi, theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Luật thi hành án dân sự:
“1.Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:
a)Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;
b)Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;
c)Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;
d)Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định; tài sản được kê biên nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;
đ)Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định;
e)Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;
g)Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
h)Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án (bán đấu giá không thành).”
Thì việc bạn có tài sản (ngôi nhà) đang nợ không phải là căn cứ để bạn được hoãn thi hành án.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không thể thỏa thuận được với chồng mình về việc hoãn thi hành án nhưng lại được xác định là chưa có điều kiện thi hành án. Thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 44a Luật thi hành án dân sự quy định về việc xác định việc chưa có điều kiện thi hành án, căn cứ kết quả xác minh điều kiện thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án khi người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án.
Theo đó, cơ quan thi hành án sẽ chỉ cưỡng chế thi hành án đối với người có điều kiện thi hành án. Khi được xác định là chưa có điều kiện thi hành án theo quy định nêu trên, bạn sẽ không bị cưỡng chế thi hành án.
Tuy nhiên, bạn cần xem xét về nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng nếu quyết định/bản án của Tòa không ghi nhận việc chia nghĩa vụ này. Căn cứ Điều 27, Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ, chồng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng, cụ thể là các nghĩa vụ sau:
-Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
-Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
-Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
-Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
-Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
-Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Theo đó, do vợ chồng bạn cùng thỏa thuận giao dịch vay ngân hàng để mua, hình thành tài sản chung nên thông thường vợ chồng bạn cũng sẽ liên đới chịu trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng.
Cần lưu ý, theo quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần thỏa thuận với chồng của bạn về việc sẽ trả dần số tiền 512 triệu để có căn cứ hoãn thi hành án dân sự. Trường hợp không thỏa thuận được, bạn sẽ không bị cưỡng chế thi hành án dân sự nếu chủ thể có thẩm quyền không xác minh được bạn có đủ điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.