Làm video tâm linh thì có vi phạm pháp luật không?

Câu hỏi của khách hàng: Làm video tâm linh thì có vi phạm pháp luật không?

Xin chào các bạn. Mình đang muốn làm ít video về tâm linh, cụ thể về pháp sư, ma quỷ, thần linh …. mình không hiểu nếu làm phim ngắn, hoặc video thể loại này thì có bị ảnh hưởng gì đến pháp luật Việt Nam không ạ?


Luật sư Tư vấn Pháp luật Xuất bản– Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 06/03/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Làm video tâm linh thì có vi phạm pháp luật Việt Nam không?

  • Luật Xuất bản năm 2012;
  • Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản;
  • Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản;

3./ Luật sư trả lời Làm video tâm linh thì có vi phạm pháp luật Việt Nam không?

Bạn muốn làm các video về tâm linh, cụ thể là pháp sư, ma quỷ, thần linh và bạn đang thắc mắc pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này? Với thắc mắc này, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Việc làm những video, phim ngắn về đề tài ma quỷ, thần linh, pháp sư đồng nghĩa với việc bạn đang tiến hành xuất bản và những video, phim ngắn đó sau khi được xuất bản được gọi là xuất bản phẩm.

Khái niệm xuất bản được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Xuất bản năm 2012:

1. Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử.

Khoản 4 Điều 3 Luật Xuất bản năm 2012 cũng quy định về xuất bản phẩm như sau:

4. Xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sau đây:

a) Sách in;

b) Sách chữ nổi;

c) Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp;

d) Các loại lịch;

đ) Bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách.”

Từ những quy định trên, có thể thấy nếu bạn làm những video, phim ngắn thì sản phẩm sau khi hoàn thành được gọi là xuất bản phẩm, có dạng là bản ghi âm, ghi hình thuộc Điểm đ Khoản 4 Điều 3 nêu trên.

Luật xuất bản năm 2012 cũng quy định những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, trong đó Khoản 1 Điều 10 có quy định:

1. Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:

a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

…”

Điểm b Khoản 1 Điều 10 nêu trên quy định nghiêm cấm việc phát hành xuất bản phẩm có nội dung truyền bá mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

Có thể hiểu mê tín dị đoan là tin vào những điều nhảm nhí, mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên, gây ra những hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình và xã hội. Biểu hiện của mê tín dị đoan là những hành vi ông đồng, bà cốt, tin cúng sao, cúng hạn, tin thầy bùa thầy chú…

Còn phá hoại thuần phong mỹ tục là những hành vi đi ngược với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, ảnh hưởng trực tiếp và làm phá hủy những truyền thống tốt đẹp đó.

Đây đều là những hành vi nguy hiểm, cần bài trừ, lên án. Chủ thể khi thực hiện hoạt động xuất bản những xuất bản phẩm có nội dung này tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật theo Khoản 2 Điều 11 Luật Xuất bản năm 2012.

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đăng, phát thông tin truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản là từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu trong trường hợp bạn muốn phát hành rộng rãi những video, phim ngắn đó ra công chúng thông qua các phương tiện điện tử, bạn còn phải tiến hành đăng ký xuất bản theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP. Nếu không đăng ký mà vẫn phát hành rộng rãi những xuất bản phẩm này, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Như vậy, bạn vẫn có thể làm những video, phim ngắn có nội dung về thần linh, pháp sư như bạn mong muốn nhưng phải đảm bảo những video đó cần không chứa nội dung mê tín, dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục như phân tích nêu trên. Nếu bạn muốn phát hành rộng rãi để kinh doanh, ngoài việc đảm bảo về nội dung, bạn còn cần phải được cấp giấy phép xuất bản theo quy định pháp luật.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

1900.0191