Câu hỏi của khách hàng: Người đang ở Việt Nam muốn kiện người ở Đức thì làm thế nào
Em muốn hỏi là mình đang ở Việt Nam và người mình muốn kiện ở Đức thì có thể làm thủ tục kiện cáo được không ạ? Nếu họ có hành vi đe doạ hoặc phát tán ảnh nhạy cảm của mình.
Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 06/03/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý người ở nước ngoài có hành vi vi phạm
- Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
3./ Luật sư trả lời Người đang ở Việt Nam muốn kiện người ở Đức thì làm thế nào
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, việc một người có hành vi đe dọa phát tán ảnh nhạy cảm của một cá nhân khác nhằm một mục đích tư lợi,… nào đó hoặc có hành vi phát tán số ảnh trên bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư của chính cá nhân có hình ảnh. Tuy nhiên, trong trường hợp người có hành vi vi phạm ở nước ngoài thì việc yêu cầu chính quyền Việt Nam xử lý người có hành vi sẽ gặp những khó khăn nhất định do có sự ngăn trở về mặt địa lý, thậm chí là về chủ quyền quốc gia.
Về mặt pháp lý, việc một người có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của một công dân Việt Nam thì chính quyền Việt Nam cũng có thể áp dụng các biện pháp hợp lý để xử phạt người có hành vi vi phạm. Với hành vi phát tán hình ảnh nhạy cảm của cá nhân, đây được coi là hành vi làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự:
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
1.Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
…”
Theo đó, người có hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 03 tháng đến 5 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Bạn cần làm đơn trình báo tố giác việc này tới chủ thể có thẩm quyền (công an xã) để các chủ thể trên thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh và có biện pháp giải quyết hợp lý.
Tuy nhiên, về mặt thực tế, việc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như việc người phạm tội là công dân nước nào, pháp luật nước đó quy định ra sao, mức độ hợp tác, hỗ trợ của nước mà người đó là công dân/đang cư trú với Việt Nam ra sao. Theo đó, việc điều tra xác minh, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý người có hành vi vi phạm trong trường hợp người có hành vi vi phạm đang ở nước Đức còn tùy thuộc vào vấn đề “hợp tác quốc tế” giữa Việt Nam và nước Đức cũng như nước mà người có hành vi vi phạm là công dân. Vấn đề hợp tác quốc tế này được quy định chung tại Phần thứ tám Bộ luật tố tụng hình sự.
Tóm lại, trong trường hợp của bạn, bạn có thể làm đơn trình báo việc trên với công an xã để được giải quyết. Còn vấn đề việc này được giải quyết như thế nào thì còn tùy thuộc cụ thể vào hành vi của người vi phạm, về việc người này là công dân Việt Nam sang Đức hay là công dân Đức hoặc một công dân của nước khác, về pháp luật của những nước có liên quan cũng như về mức độ hợp tác quốc tế của Việt Nam với những quốc gia đó.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.