Người nhận tiền trả góp cố ý giữ giấy tờ xe khi đã thanh toán xong thì phải làm thế nào?

Câu hỏi của khách hàng: Nhờ luật sư tư vấn giùm em với ạ, em mua xe máy trả góp kiểu người quen (hình thức là người đó bỏ tiền mắt ra để mua rồi em trả góp lại có lãi). Hiện giờ em đóng đã 22 tháng còn 2 tháng nữa là hoàn tất, bên kia có hứa là đóng 1 tháng nữa là sẽ giao cavet và sang tên mà tháng tiếp theo vẫn nói y như vậy, rồi em nói là em muốn trả hết và lấy cavet thì bên kia không muốn cho em thanh toán hết và còn có hành vi cầm cố cavet xe giờ em nên làm thế nào luật sư tư vấn giúp em với ạ xin cảm ơn ạ.


Luật sư Tư vấn luật Dân sự – Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./Thời điểm tư vấn: 24/01/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề hợp đóng trả góp 

Bộ luật Dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Người nhận tiền trả góp cố ý giữ giấy tờ xe khi đã thanh toán xong thì phải làm thế nào?

Hợp đồng mua bán tài sản theo hình thức trả góp hoặc trả chậm là một dạng hợp đồng khá phổ biến trong đời sống và là một chế định được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

Giao dịch mua trả chậm hoặc trả dần được quy định tại Điều 453 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

  1. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.
  2. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.”

Theo đó, hợp đồng trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Với thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin tư vấn theo hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Bạn và người kia không lập hợp đồng bằng văn bản.

Nếu hợp đồng mua bán giữa bạn và người kia không lập thành văn bản thì sẽ thuộc vào trường hợp hợp đồng vô hiệu được quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015 do không tuân thủ quy định về hình thức. Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”

Theo đó, nếu hợp đồng vô hiệu, hai bên tiến hành trao trả cho nhau những gì đã nhận. Bên bán có nghĩa vụ trả lại cho bạn toàn bộ số tiền mà bạn đã thanh toán. Bạn có nghĩa vụ trả lại cho bên bán các giấy tờ đã nhận. Nếu bên nào có lỗi gây ra thiệt hại cho bên bị thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Trường hợp 2: Bạn và người kia lập hợp đồng bằng văn bản.

Nếu hợp đồng mua bán của bạn và người kia đã lập thành văn bản và đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng đó có hiệu lực. Các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng được quy định tại Điều 117 bao gồm:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Khi đó, bạn có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền theo thỏa thuận của hai bên. Bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bạn theo thời điểm mà hai bên thỏa thuận.

Đối với hợp đồng trả góp, thông thường bên bán sẽ giao tài sản cho bên mua tại thời điểm giao kết hợp đồng nhưng quyền sở hữu tài sản sẽ chỉ thuộc về bên mua sau khi bên mua đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán. Trường hợp này, bạn và bên bán thỏa thuận khi bạn thanh toán xong thì bên bán sẽ giao xe  và giấy tờ xe cho bạn nên việc người bán đem giấy tờ xe (cavet) đi cầm cố là không vi phạm quy định pháp luật. Bởi lẽ, theo thỏa thuận của hai bên thì bạn chưa thanh toán xong tiền mua hàng và bên bán cũng chưa giao tài sản là chiếc xe máy cho bạn nên quyền sở hữu chiếc xe máy đó vẫn thuộc về bên bán. Người bán sẽ vi phạm pháp luật khi mang chiếc xe máy đó đi bán cho một người khác dù đã giao kết hợp đồng mua bán với bạn.

Như vậy, để nhanh chóng nhận được xe và các giấy tờ liên quan, bạn cần hoàn thành nghĩa vụ thanh toán với bên bán, đồng thời bạn có thể thỏa thuận lại về thời hạn giao tài sản.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

1900.0191