Người vay tiền ra nước ngoài làm việc thì phải làm thế nào?

Câu hỏi của khách hàng: Người vay tiền ra nước ngoài làm việc thì phải làm thế nào?

Chào tất cả các Luật sư, hôm nay em gặp 1 việc chắc phải nhờ pháp luật giải quyết nên em đưa lên đây tham khảo ý kiến mọi người giúp đỡ ạ: Em có cho 1 người bạn vay số tiền là 100.000.000 để họ đáo khế ngân hàng (thực tế là em đi vay giúp chứ em cũng không có), sau khi đáo khế ngân hàng xong, do đang cần tiền cọc làm thủ tục xuất khẩu lao động Hàn Quốc nên bạn em xin vay thêm 1 thời gian để nạp cọc, rồi về vay mượn anh em bạn bè sẽ trả cho em, thời gian vay hiện nay đã hơn 3 tháng, có giấy tờ vay mượn và có người làm chứng đầy đủ, hôm nay em mới biết là bạn em đã bay rồi và không thông báo cho em và em giờ cũng không liên lạc được. Người này hiện đã có vợ 2 con và đang sống với bố mẹ đẻ. Vậy xin mọi người tư vấn giúp em làm sao có thể lấy lại tiền được ạ, nếu kiện ra tòa thì hồ sơ cần những gì? Xin cảm ơn mọi người đã tư vấn.


Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 08/03/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền yêu cầu trả nợ

  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Người vay tiền ra nước ngoài làm việc thì phải làm thế nào?

Theo thông tin bạn cung cấp thì để có biện pháp xử lý hợp lý, bạn cần xác định hành vi của người bạn đã vay tiền của bạn có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền trên của bạn hay không. Bởi, nếu có hành vi chiếm đoạt thì bạn cần làm đơn tố cáo tới chủ thể có thẩm quyền, nếu không thì bạn cần làm đơn khởi kiện tới tòa án yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Đầu tiên, bạn cần liên lạc với vợ của người này để tìm hiểu thông tin về việc người này có đề nghị gì về việc kéo dài thời gian trả nợ hay để người vợ ở nhà tiếp tục nghĩa vụ trả nợ hay không. Dựa vào thông tin mà người này cung cấp, bạn có thể xác định áp dụng những cách giải quyết khác nhau.

Căn cứ Điều 175 Bộ luật hình sự:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a)Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b)Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

c)Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

…”

Theo quy định trên, khi một cá nhân có hành vi vay tiền của người khác bằng hình thức hợp đồng (hợp đồng này có thể được thể hiện bằng lời nói, hành vi hoặc văn bản) rồi dùng thủ đoạn bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền đó thì cá nhân này sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 7 năm theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp đó, bạn cần làm đơn trình báo tố giác hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người bạn trên và gửi tới Công an xã có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, kèm với đó là các chứng cứ, tài liệu, văn bản,… chứng minh những thông tin mà bạn đưa ra.

Khi  nhận được đơn trình báo của bạn, phía công an có trách nhiệm tiến hành điều tra, xác minh và có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngược lại, nếu hành vi của người bạn của bạn không có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản thì bạn có thể thỏa thuận với người này/người có nghĩa vụ trả nợ khác về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp không thỏa thuận được, bạn có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ và gửi tới Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Thông thường, bạn cần gửi hồ sơ khởi kiện trên tới Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bạn kia của bạn cư trú cuối cùng trước khi ra nước ngoài theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 37 và Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự. Trong hồ sơ, bên cạnh đơn khởi kiện, bạn cần nộp các giấy tờ chứng minh cho những thông tin mà bạn đưa ra, cho tư cách khởi kiện của bạn, chứng minh Tòa án mà bạn gửi đơn là Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu mà bạn đưa ra theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần xác định xem người bạn đã vay tiền của bạn có hành vi chiếm đoạt số tièn trên không. Nếu có, tùy theo hành vi của người này, bạn cần làm đơn trình báo hành vi chiếm đoạt tài sản của người này và gửi tới Công an xã để được giải quyết. Nếu người bạn này không có hành vi chiếm đoạt số tiền trên, bạn có thể thỏa thuận với người này/người có nghĩa vụ trả nợ việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ, khi không thỏa thuận được thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết theo quy định. kèm theo đơn, bạn cần gửi kèm theo những tài liệu, chứng cứ,… chứng minh cho tính chính xác của những thông tin mà bạn đã đưa ra.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191