Ông bà cho cháu tài sản không cần phải qua di chúc

Câu hỏi của khách hàng: Ông bà cho cháu tài sản không cần phải qua di chúc

Cho em hỏi có cách nào ông bà cho cháu 1 tài sản nào đó ( ví dụ như nhà) mà hợp pháp ngoài việc lập di chúc không ạ, em cảm ơn


Luật sư Luật Dân sự – Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 27/06/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề về Hợp đồng tặng cho tài sản

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Luật nhà ở 2014

3./ Luật sư trả lời câu hỏi Ông bà cho cháu tài sản không cần phải qua di chúc

Trong trường hợp này, ông bà có thể thỏa thuận với nhau về việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho cháu. Khi 2 bên đã thỏa thuận được, 2 bên sẽ lập hợp đồng tặng cho tài sản theo quy định tại Điều 457 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.”

Đối với trường hợp tặng cho bất động sản như nhà ở thì theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật nhà ở 2014 thì:

“1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”

 Thêm vào đó, Khoản 2 Điều 459 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định: “2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”

Nhà ở là bất động sản phải đăng kí quyền sở hữu, nên trường hợp này, hợp đồng tặng cho nhà ở muốn có hiệu lực pháp luật thì phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực và phải tiến hành đăng kí tại văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất.

Nếu người cháu vẫn chưa thành niên thì ông bà phải lập thêm 1 thỏa thuận về việc giao cho căn nhà cho người giám hộ của người cháu quản lý. Thỏa thuận này được lập thành văn bản, không cần công chứng, chứng thực nhưng sẽ tốt hơn nếu có công chứng, chứng thực

Hợp đồng tặng cho này không nên lập dưới dạng Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện vì theo quy định tại Điều 462 Bộ luật dân sự 2015 thì:

  1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
  3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Do đó, nếu lập Hợp đồng tặng cho có điều kiện thì ông bà vẫn có quyền đòi lại phần căn nhà thuộc quyền sở hữu của ông bà nếu chứng minh được người cháu không hoàn thành nghĩa vụ đã thỏa thuận.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

1900.0191