Câu hỏi của khách hàng: Tách khẩu riêng với con mà không cùng khẩu với chồng được không?
Em cần tư vấn giúp.
Em và chồng lấy nhau 2 năm rồi. Chúng em đăng ký kết hôn bên chồng. Nhưng em chưa chuyển khẩu về bên chồng. Nay đã có con được một tuổi, cũng khai sinh ở bên chồng và chưa nhập khẩu. Việc em chưa chuyển khẩu em có thể tách khẩu từ bên đẻ để đứng tên em và con không? Nếu em và chồng không sáp nhập khẩu chung thì có ảnh hưởng gì đến giấy tờ con cái sau này không? Nếu tách được khẩu từ chỗ bố mẹ đẻ em có thể vẫn chung sống bên chồng không? Vợ chồng em khác xã ạ!
Luật sư Tư vấn Luật cư trú – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 22/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Tách sổ hộ khẩu và thay đổi nơi đăng ký thường trú
- Luật cư trú năm 2013;
- Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
3./ Luật sư trả lời Tách khẩu riêng với con mà không cùng khẩu với chồng được không?
Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký; mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một nơi. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Khi một cá nhân hay hộ gia đình đăng ký thường trú thì sẽ được cấp sổ hộ khẩu. Khoản 1 Điều 24 Luật cư trú năm 2013 quy định: “1. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân”.
Về vấn đề tách sổ hộ khẩu, căn cứ Điều 27 Luật cư trú năm 2013 quy định như sau:
“Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản”.
Theo đó, trường hợp bạn đang có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình bên ngoại (cùng bố, mẹ bạn) mà có nhu cầu thì bạn được quyền tách sổ hộ khẩu. Khi tách sổ hộ khẩu, bạn phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ (nếu thuộc trường hợp phải được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu).
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, bạn muốn tách riêng hộ khẩu với bố mẹ bạn ở bên ngoại để được cấp một sổ riêng tại đó, đồng thời vẫn muốn sống chung với chồng bạn ở xã khác mà không thực hiện nhập khẩu về bên chồng. Điều này là vi phạm quy định của pháp luật về cư trú.
Căn cứ khoản 1 Điều 23 Luật cư trú năm 2013 quy định về trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp như sau:
“Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì trong thời hạn mười hai tháng có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú”.
Theo đó, nếu bạn vẫn muốn sống cùng với chồng thì bạn phải làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú, chủ hộ sẽ phải làm thủ tục điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu. Bạn sẽ phải đăng ký thường trú bên nhà chồng bạn theo hình thức: được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình trong trường hợp vợ về ở với chồng. Do đó, nếu bạn đã chuyển chỗ ở hợp pháp (đến chỗ ở hợp pháp của chồng) mà bạn không làm thủ tục nhập vào hộ khẩu của chồng theo thời hạn quy định ở trên thì bạn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú. Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định:
“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
…”.
Về vấn đề đăng ký nơi thường trú cho con bạn, căn cứ khoản 1 Điều 13 Luật cư trú năm 2013 quy định như sau:
“1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống”.
Theo đó, con bạn hiện nay mới 1 tuổi, được xác định là người chưa thành niên, nơi cư trú của bé là nơi cư trú của cha, mẹ (đối với trường hợp của bạn là bé sống cùng cha mẹ). Do đó, khi bạn thực hiện việc thay đổi nơi đăng ký thường trú của mình (từ nhà bố mẹ đẻ của bạn sang nhà chồng) thì bé sẽ phải được đăng ký thường trú tại nơi cư trú của cha, mẹ (tức là phải đăng ký thường trú bên gia đình chồng bạn)
Như vậy, cả bạn và con bạn đều phải đăng ký thường trú tại nhà chồng bạn nếu như bạn muốn tiếp tục sống chung lâu dài với chồng mình. Việc bạn thực hiện đăng ký khai sinh ở đâu hay bạn chưa chuyển khẩu về nhà chồng không phải là yếu tố hạn chế quyền của con của bạn theo quy định của pháp luật hiện nay. Yếu tố ảnh hưởng thông thường là nơi bạn đăng ký thường trú cho bé. Việc bạn cho con sống ở nhà chồng nhưng vẫn giữ hộ khẩu của bé ở xã khác thì thứ nhất là vi phạm quy định về cư trú, tiếp theo sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của bé, ảnh hưởng đến những giấy tờ, hô sơ hay thủ tục hành chính sau này. Điển hình nhất là việc đăng ký trường học cho bé gặp nhiều khó khăn, hay không được hưởng những chính sách, sự quản lý của địa phương nơi con bạn đang sinh sống do không đăng ký thường trú,…
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.