Thủ tục nhập khẩu ở quận Bắc Từ Liêm

Câu hỏi của khách hàng:Thủ tục nhập khẩu ở quận Bắc Từ Liêm

Em xin phép hỏi các cô/chú/anh/chị có ai rành về thủ tục nhập khẩu ở quận Bắc Từ Liêm không ạ? Em muốn nhập khẩu vào nhà chủ (em thuê trọ) thì phải ra đâu và làm những thủ tục gì ạ? Nếu tự mình làm thì có khó khăn lắm không ạ? Vì em nghe nói họ hành ghê lắm! Em nghe nhiều người nói thủ tục lằng nhằng và mất khá nhiều tiền nên đang hoang mang quá!
Mong anh chị giúp đỡ!


Luật sư Luật Hành chính– Tư vấn trực tuyến gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 19/06/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thủ tục nhập khẩu ở quận Bắc Từ Liêm

Luật thủ đô 2012

Luật cư trú 2006

Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật cư trú 2013

Nghị định 31/2014/NĐ-CP quy định chi tiết 1 số điều Luật cư trú

Thông tư 35/2014/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú

3./ Luật sư trả lời Thủ tục nhập khẩu ở quận Bắc Từ Liêm

Theo quy định tại khoản 4 điều 19 Luật Thủ đô 2012  về người ngoại tỉnh có nhu cầu nhập hộ khẩu ở nội thành Hà Nội cần đáp ứng các điều kiện sau :

– Tạm trú liên tục tại nội thành từ 03 năm trở lên;

– Có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở

– Riêng nhà thuê phải có diện tích tối thiểu 15msàn/đầu người và có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân cho thuê về việc cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

Ngoài ra, người ngoại tỉnh có thể nhập hộ khẩu tại nội thành Hà Nội nếu được người có Sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào hộ khẩu của mình và thuộc một trong các trường hợp: Vợ về ở với chồng và ngược lại; con về ở với cha, mẹ và ngược lại; Người dưới 18 tuổi không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột…

Như vậy , nếu bạn đã đăng ký tạm trú ở chỗ thuê trọ liên tục trong 03 năm và được sự đồng ý của chủ nhà trọ cho đăng ký thường trú tại nhà thuê thì bạn có thể đi đăng ký nhập khẩu .

Đối với thủ tục nhập hộ khẩu Hà Nội được thực hiện theo quy định Điều 21 Luật cư trú 2006 và hướng dẫn của  Thông tư 35/2014/TT-BCA

Hồ sơ cần chuẩn bị:

– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

– Giấy chuyển hộ khẩu

– Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp và các giấy tờ khác chứng minh thuộc điều kiện được nhập hộ khẩu (giấy tờ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con nếu nhập khẩu theo cha, mẹ hoặc theo con; Giấy đăng ký kết hôn nếu nhập hộ khẩu theo chồng…).

– Văn bản xác nhận đồng ý cho nhập khẩu của chủ thuê trọ ( đối với nhà thuê )

Nơi nộp hồ sơ:

Hà Nội là một trong những thành phố trực thuộc trung ương nên theo điểm a, khoản 1 Điều 21 của Luật Cư trú, người muốn nhập hộ khẩu tại Hà Nội nộp hồ sơ tại Công an quận, huyện, thị xã.

Lệ phí nhập hộ khẩu:

Theo Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND, mức lệ phí được quy định như sau:

–  Tại các quận: Lệ phí nhập hộ khẩu là 15.000 đồng; Lệ phí cấp mới Sổ hộ khẩu là 20.000 đồng;

– Tại các khu vực khác: Lệ phí nhập hộ khẩu là 8.000 đồng; Lệ phí cấp mới Sổ hộ khẩu là 10.000 đồng;

Thời gian giải quyết thủ tục:

Thời gian cấp Sổ hộ khẩu là 15 ngày, kể ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú 2006).

Để bạn có thể nhập hộ khẩu , bạn cần chuẩn bị hồ sơ cần thiết như bên trên mang đến Công an Quận Bắc Từ Liêm để đăng ký nhập hộ khẩu .

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

 

1900.0191