Vợ chồng chưa đăng ký kết hôn thì có thể bắt chồng cấp dưỡng nuôi con được không?

Câu hỏi của khách hàng: Vợ chồng chưa đăng ký kết hôn thì có thể bắt chồng cấp dưỡng nuôi con được không?

Cho em hỏi em và chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi vị thành niên… đến giờ em đã đủ tuổi nhưng vẫn chưa có giấy kết hôn… nhưng hai vợ chồng đang trong tình trạng chia tay và em đang mang thai… nếu em sinh con em có thể bắt buộc chồng cấp dưỡng không ạ


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 04/03/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi không đăng ký kết hôn

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

3./ Luật sư trả lời Vợ chồng chưa đăng ký kết hôn thì có thể bắt chồng cấp dưỡng nuôi con được không?

Con cái là tài sản chung lớn nhất của hai bên nam nữ trong cuộc sống vợ chồng. Đảm bảo quyền và lợi ích của đối tượng trẻ em, việc trẻ em sinh ra trong hay ngoài thời kỳ hôn nhân sẽ không làm thay đổi hay hạn chế quyền giữa cha mẹ và con. Tuy nhiên, khác với việc sinh con trong thời kỳ hôn nhân (đứa trẻ được mặc nhiên coi là con chung của cả hai bên vợ chồng), việc con sinh ra ngoài thời kỳ hôn nhân dẫn đến việc các bên phải tiến hành việc nhận cha cho con (hoặc người cha nhận con) để pháp luật công nhận mối quan hệ cha-con của người cha và đứa trẻ.

Căn cứ Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình quy định:

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Ta nhận thấy, việc hai bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ không làm ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ giữa người cha và người con.

Do vậy, trong trường hợp bạn và chồng không kết hôn, hiện tại đang trong tình trạng chia tay và bạn thì mang thai, quyền và nghĩa vụ giữa chồng của bạn và con của bạn khi sinh ra vẫn sẽ được bảo đảm khi có căn cứ pháp lý về việc người chồng này của bạn là cha của đứa trẻ. Quy định này được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình:

“Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

2.Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Căn cứ Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình quy định:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1.Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2.Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3.Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

…”

Theo đó, người không trực tiếp nuôi con sau khi hai bạn chia tay sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo đúng quy định của pháp luật. Việc cấp dưỡng ở đây được định nghĩa là việc người cha đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người con (có quan hệ huyết thống) không sống chung với mình trong trường hợp người con đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của pháp luật.

Nói cách khác, việc bạn và chồng không đăng ký kết hôn sẽ không phải là căn cứ hạn chế quyền được cấp dưỡng của con bạn (trong quan hệ với người cha). Tuy nhiên, như đã trình bày trên, việc bạn không đăng ký  kết hôn sẽ là căn cứ để chủ thể có thẩm quyền không trực tiếp ghi nhận chồng của bạn là cha của bé khi bé được sinh ra, bạn cần phải thực hiện thủ tục nhận cha cho con theo quy định của pháp luật để lấy căn cứ xác định chồng bạn là cha của đứa bé và để đứa bé được hưởng quyền được cấp dưỡng từ cha của mình.

Từ những quy định trên, bạn có thể thấy, việc bạn và chồng không đăng ký kết hôn sẽ không phải là căn cứ để chồng của bạn từ chối cấp dưỡng cho con của hai người khi hai người chia tay. Tức là con của chị vẫn sẽ được chồng của bạn cấp dưỡng khi bạn là người trực tiếp nuôi con sau khi hai bên chia tay. Nhưng, việc cấp dưỡng này phải được xác định trên việc chồng bạn là cha của bé. Do vậy, bạn cần thực hiện thủ tục nhận cha cho con để có căn cứ đưa ra yêu cầu người chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191