Câu hỏi được gửi từ khách hàng:
Tôi tham gia giao thông đúng luật nhưng bị một người điều khiển ô tô có sử dụng rượu gây tai nạn, tôi phải nhập viện vì đứt dây chằng chân và vỡ xương đầu gối, chiếc xe máy cũng bị hư hỏng nặng, tiền viện phí của tôi ban đầu là 21 triệu đồng, sau còn phải quay lại xét nghiệm kiểm tra nhiều lần nữa, chưa biết chi phí cụ thể thế nào, chiếc xe tôi đi cũng có giá trị khoảng 30 triệu đồng. Nay nhà người kia chỉ đồng ý bồi thường 20 triệu đồng, tôi thấy như vậy là rất thiệt thòi cho mình và muốn nhờ cơ quan nhà nước bảo vệ thì phải làm thế nào?
Cám ơn các luật sư.
Luật sư Tư vấn Tư vấn yêu cầu bồi thường khi tai nạn giao thông – Gọi 1900.0191
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đến Công ty Luật LVN. Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm xảy ra tình huống pháp lý
Ngày 20 tháng 01 năm 2018
2./ Cơ sở văn bản Pháp Luật áp dụng
Bộ luật Dân sự 2015;
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
3./ Luật sư trả lời
Căn cứ vào Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 dưới đây thì người gây tai nạn giao thông có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn vì người này đã có hành vi xâm phạm sức khỏe và tài sản của bạn.
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo nguyên tắc, thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thực tế xảy ra. Do bạn không có lỗi gì trong việc gây ra tai nạn giao thông và lỗi thuộc hoàn toàn về phía người kia nên người này phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc bồi thường. Mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường do các bên thỏa thuận.
Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, đối với trường hợp thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì bạn có quyên yêu cầu người kia bồi thường cho mình các khoản sau:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do việc tai nạn gây ra (nếu thu nhập thực tế không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.).
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (nếu bạn bị mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.).
- Một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần.
Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại được quy định tại Điều 593 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 593. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm
- Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây:
a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;
b) Người thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
3. Đối với con đã thành thai của người chết, tiền cấp dưỡng được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống.
Đối với thiệt hại do tài sản bị xâm phạm thì bạn có thể yêu cầu người kia bồi thường một khoản chi phí hợp lý để sửa chữa xe.
Khi người kia chỉ đồng ý bồi thường 20 triệu đồng cho bạn và bạn cảm thấy không thỏa đáng thì trước hết bạn nên thỏa thuận lại với người kia. Trong trường hợp hai bên vẫn không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì bạn có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp Huyện.
Nội dung đơn khởi kiện gồm có:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Toà án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
- Tên, địa chỉ của người bị kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
- Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
- Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án;
- Ký tên hoặc điểm chỉ.
Các tài liệu, chứng cứ kèm theo dùng để chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp trong trường hợp của bạn có thể là: hóa đơn khám, chữa, bệnh; chuẩn đoán của bác sĩ, …
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để được giải đáp nhanh nhất.
Sự hài lòng của quý khách là nỗ lực của chúng tôi!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN