Các vấn đề khi kinh doanh rượu của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Các vấn đề khi kinh doanh rượu của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất

Chào mọi người. Mình muốn hỏi về vấn đề thực tế chút:Mình có một nhà hàng nhỏ, trong đó có cung cấp rượu và nước uống có cồn. Theo quy định của pháp luật thì phải đăng ký kinh doanh rượu và đồ uống có cồn.

Thứ nhất, mình có thường xuyên nhập một loại rượu của người dân tộc nấu theo phương pháp thủ công. Nếu bị kiểm tra thì đương nhiên là rượu không rõ nguồn gốc vì người ta có bao giờ để ý chuyện đăng ký sản xuất rượu đâu. Vậy làm thế nào để mình hợp thức hoá hoạt động kinh doanh lượng rượu đó mà không phụ thuộc vào hộ gia đình dân tộc trên? Trong điều kiện mình chấp nhận các chi phí liên quan như kiểm định rượu, an toàn thực phẩm và các loại thuế, phí liên quan.

Thứ hai, mình cũng có nhập một số loại rượu công nghiệp từ một số bên bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tạp hoá) có đủ tem nhãn hàng hoá. Người ta chỉ giao cho mình hoá đơn bán lẻ dưới dạng phiếu thanh toán thì mình có được coi là đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của rượu không?

Mong được các bạn giúp đỡ.


Luật sư Tư vấn Luật Doanh nghiệp– Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 29 tháng 05 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề inh doanh rượu

Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu

3./ Luật sư tư vấn

Hiện nay, kinh doanh rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hộ gia đình cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải đảm bảo các điều kiện kinh doanh rượu và phải được cấp phép kinh doanh rượu. Với nội dung nêu trên, hộ gia đình kinh doanh rượu cần đáp ứng những điều kiện theo quy định pháp luật như sau:

  • Về điều kiện kinh doanh cơ sở bán lẻ rượu:

Trường hợp mở cửa hàng nhỏ bán rượu và đồ uống có cồn, anh/chị cần đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật như sau:

Căn cứ Điều 13 Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh bán lẻ rượu như sau:

Điều 13. Điều kiện bán lẻ rượu

1. Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.

3. Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.

4. Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.

5. Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định.”

Theo đó, anh/chị bên cạnh điều kiện phải đăng ký kinh doanh với ngành nghề kinh doanh rượu, anh/chị cần đáp ứng các điều kiện khác như có địa điểm kinh doanh hợp pháp; có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất hoặc thương nhân phân phối rượu; rượu kinh doanh đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường tại nơi thực hiện hoạt động kinh doanh.

Trên cơ sở đó:

  • Việc nhận phân phối rượu của các siêu thị, cửa hàng khác về bán:

Để đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, anh/chị cần yêu cầu các đơn vị này cung cấp văn bản giới thiệu của nhà phân phối hoặc hợp đồng nguyên tắc của đơn vị sản xuất hoặc phân phối rượu. Bên cạnh đó, rượu được nhập phải có tem, nhãn mác rõ ràng, đúng quy định của pháp luật. Theo đó, các giấy tờ này có chức năng chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của rượu cũng như đảm bảo đủ điều kiện để anh/chị tiến hành hoạt động kinh doanh bán lẻ rượu.

  • Việc nhập rượu về bán do người dân tộc sản xuất:

Trường hợp này, nếu người sản xuất không thực hiện việc xin cấp phép theo quy định để đảm bảo việc rượu được bán là hợp pháp, anh/chị có thể xin giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

Trước hết, Căn cứ Điều 9 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh như sau:

Điều 9. Điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

1. Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.”

Theo đó, anh/chị đã đăng ký kinh doanh theo quy định và đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh rượu thì anh/chị cần thực hiện xin các giấy tờ bảo đảm các điều kiện về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Các giấy tờ này được nộp kèm với hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, cụ thể như sau:

  • Thủ tục xin Giấy phép:

Căn cứ Điều 20, 23, 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, thủ tục xin các giấy phép bán lẻ, giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh như sau:

Bước 1: Anh/chị nộp hồ sơ xin cấp phép trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép là Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân quận/huyện với cả hai loại giấy phép bán lẻ rượu và Giấy phép xin cấp phép sản xuất thủ công nhằm mục đích kinh doanh.

Hồ sơ bao gồm:

+Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh (01 bộ) bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.

3. Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm,

4. Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu (01 bộ) bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.

3. Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp cơ sở dự kiến làm địa điểm bán lẻ.

4. Bản sao văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.

5. Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) của các sản phẩm rượu dự kiến kinh doanh.

6. Bản cam kết do thương nhân tự lập, trong đó nêu rõ nội dung thương nhân bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật tại các địa điểm bán lẻ rượu.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét hồ sơ, ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp phép:

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân trong thời hạn 10 ngày làm việc. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Vậy, để thực hiện hoạt kinh doanh rượu hợp pháp trong trường hợp này, anh/chị cần đảm bảo các điều kiện theo quy định và tiến hành theo các thủ tục như trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Các vấn đề khi kinh doanh rượu của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Bài liên quan:

1900.0191